NHU CẦU THAM VẤN TÂM LÝ CỦA HỌC SINH TRƯỜNG THPT HOÀNG HOA THÁM – THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (494.65 KB, 85 trang )

A. PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Việt Nam đang bước vào thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Tình trạng nghèo nàn, lạc hậu dần dần được khắc phục. Đời sống vật chất, tinh thần
của mọi người, mọi nhà đang từng bước được cải thiện. Song xã hội (XH) càng phát
triển thì những vấn đề của đời sống tâm lý, tình cảm cũng càng nảy sinh phong phú,
đa dạng và bức xúc hơn. Dịch vụ tham vấn tâm lý (TVTL) xuất hiện và ngày càng
phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu của XH, nhất là ở những đô thị đông dân. TVTL
được ứng dụng ở nhiều loại hình tham vấn khác nhau, trong đó TVTL học đường
đang trở thành một nhu cầu cấp bách của XH cần được đáp ứng kịp thời. TVTL học
đường không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với học sinh (HS), sinh viên mà nó
còn rất cần thiết cho giáo viên, phụ huynh HS – những người có liên quan đến sự
nghiệp “trồng người”.
Sự phát triển với tốc độ nhanh và đầy biến động của nền kinh tế – xã hội, các
yêu cầu ngày càng cao của nhà trường và cả những điều bất cập trong thực tiễn giáo
dục; thêm vào đó là sự kỳ vọng quá cao của cha mẹ, thầy cô đang tạo ra những áp
lực rất lớn và gây căng thẳng cho HS trong cuộc sống, trong học tập và trong quá
trình phát triển. Mặt khác, sự hiểu biết của HS về bản thân mình cũng như kỹ năng
sống của các em vẫn còn hạn chế trước những sức ép nói trên. Thực tế cho thấy HS
trong nhà trường phổ thông có thể có những rối loạn về phát triển tâm lý, rối loạn
phát triển các kỹ năng nhà trường (như đọc, viết, tính toán…), những rối loạn về
cảm xúc như lo âu, trầm cảm hay những rối loạn về hành vi (như vô kỷ luật, bỏ học,
trốn học, trộm cắp, hung bạo…). Hậu quả là ngày càng có nhiều HS gặp không ít
khó khăn trong học tập, tu dưỡng đạo đức, xây dựng lý tưởng sống cho mình cũng
như xác định cách thức ứng xử cho phù hợp trong các mối quan hệ xung quanh. Vì
vậy, những HS này rất cần được sự trợ giúp của các nhà chuyên môn, của thầy cô
giáo và cha mẹ.
Đứng trước thực trạng trên cho thấy rất cần có những mô hình TVTL cho
HS. Việc xây dựng mô hình TVTL cho HS trong nhà trường sẽ giúp cho giáo viên
1
và HS hiểu biết rõ hơn về những vấn đề liên quan tới sự hình thành và phát triển

nhân cách của các em để giúp đỡ và hướng cho các em phát triển một cách đúng
đắn, lành mạnh, hiểu về bản thân và người khác tốt hơn. Tuy nhiên, hiện nay ở
nước ta mô hình TVTL trong trường học còn chưa được thực hiện một cách phổ
biến; một số trường phổ thông ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí
Minh (Tp. HCM) có lập các phòng tư vấn nhưng hoạt động chưa có hiệu quả cao.
Riêng ở Thành phố Đà Nẵng (Tp. ĐN), hiện nay chưa có trường phổ thông nào trên
địa bàn thành phố thành lập phòng tham vấn cho HS; tổ chức hoạt động TVTL cho
HS tại các trường phổ thông còn rất ít. Các em chưa được biết, chưa được tiếp cận
nhiều với các hình thức TVTL. Vì vậy việc tìm hiểu nhu cầu TVTL của HS là rất
cần thiết, trên cơ sở đó đánh giá nhu cầu tham vấn của HS theo các mức độ khác
nhau để từ đó xác định phương hướng tổ chức các hoạt động tham vấn nhằm đáp
ứng nhu cầu của các em.
Từ lý luận và thực tiễn trên chúng tôi chọn đề tài: “Nhu cầu tham vấn tâm lý
của học sinh trường Trung học phổ thông Hoàng Hoa Thám – Thành phố Đà Nẵng”
để nghiên cứu.
2. Mục đích nghiên cứu
– Tìm hiểu nhu cầu TVTL của HS trường trung học phổ thông (THPT)
Hoàng Hoa Thám – Tp. ĐN.
– Đưa ra một số kiến nghị trong việc tổ chức tham vấn tâm lý cho học sinh
trung học phổ thông.
3. Đối tượng, khách thể, phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
– Nhu cầu tham vấn tâm lý của học sinh trường THPT Hoàng Hoa Thám –
Thành phố Đà Nẵng.
3.2. Khách thể nghiên cứu
– Học sinh trường THPT Hoàng Hoa Thám – Thành phố Đà Nẵng.
3.3. Khách thể khảo sát
– Khảo sát 300 học sinh trường THPT Hoàng Hoa Thám – Thành phố Đà
Nẵng. Trong đó có 100 học sinh lớp 10, 100 học sinh lớp 11 và 100 học sinh lớp 12.
2

3.4. Phạm vi nghiên cứu
– Không gian: Trường THPT Hoàng Hoa Thám.
– Thời gian: Đề tài được tiến hành trong khoảng thời gian từ tháng 12/ 2009
đến tháng 05/ 2010.
4. Giả thuyết khoa học
– Nhu cầu tham vấn tâm lý của HS trường THPT Hoàng Hoa Thám – Tp. ĐN
rất đa dạng và phong phú. Có sự khác nhau nhưng không nhiều về mức độ và sự
biểu hiện nhu cầu tham vấn tâm lý giữa các nhóm khách thể.
– Học sinh trường THPT Hoàng Hoa Thám – Tp. ĐN hầu như chưa được
tiếp cận với các hình thức tham vấn tâm lý vì nhiều lý do khác nhau.
5. Nhiệm vụ nghiên cứu
– Nghiên cứu những vấn đề lý luận chung về nhu cầu tham vấn tâm lý.
– Tìm hiểu thực trạng nhu cầu tham vấn tâm lý của học sinh trường THPT
Hoàng Hoa Thám – Tp. ĐN.
– Đưa ra một số kiến nghị trong việc tổ chức TVTL cho học sinh THPT.
6. Phương pháp nghiên cứu
Trong đề tài này, chúng tôi sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:
– Phương pháp nghiên cứu lý luận.
– Phương pháp nghiên cứu thực tiễn:
+ Phương pháp điều tra bằng phiếu hỏi.
+ Phương pháp trắc nghiệm.
+ Phương pháp phỏng vấn.
+ Phương pháp xử lý số liệu bằng thống kê toán học.
3
B. PHẦN NỘI DUNG
Chương 1: Cơ sở lý luận của vấn đề nghiên cứu
1.1. Sơ lược lịch sử nghiên cứu vấn đề
1.1.1. Sơ lược lịch sử nghiên cứu về tham vấn tâm lý
1.1.1.1. Các công trình nghiên cứu về tham vấn trên thế giới
Dựa vào lịch sử hiện có, ngành tham vấn ở các nước phát triển là một ngành

tương đối trẻ. Trước những năm 1900, tham vấn chủ yếu là cho ý kiến, tập trung
vào việc cung cấp những phúc lợi nhân đạo căn bản cho những người kém may mắn
trong thời kỳ cách mạng Công nghiệp (Industrial Revolution). Ban đầu nó được
dành riêng cho người trẻ, liên quan đến những chương trình hướng nghiệp và những
bài học đạo đức căn bản, như làm điều đúng, sống tốt, tránh điều sai, xa lánh điều
xấu. Tư vấn thời gian đầu chủ yếu là cung cấp thông tin và hướng dẫn giáo dục.
Năm 1907, Jesse B. Davis là người đầu tiên thiết lập một cơ sở hướng dẫn có
hệ thống ở tiểu bang Michigan, Hoa Kỳ. Frank Parson (1854 – 1908) là người đánh
dấu cho sự ra đời của chuyên ngành hướng dẫn tư vấn nghề nghiệp ở Mỹ, ông được
xem như là cha đẻ của ngành hướng dẫn tư vấn nghề nghiệp. F. Parson đã viết cuốn
sách “ Cẩm nang hướng nghiệp” nhằm trợ giúp các cá nhân trong việc lựa chọn
nghề nghiệp, tìm ra cách bắt đầu và xây dựng một nghề nghiệp thành công và hiệu
quả; chính điều này đã tạo điều kiện cho sự ra đời và phát triển rầm rộ của ngành
hướng dẫn tư vấn nghề. Một năm sau khi F. Parson qua đời (1909), cuốn sách
“Chọn nghề” (Choosing Vocation) của ông đã được xuất bản, cuốn sách này trình
bày phương pháp kết nối những đặc điểm tính cách của một cá nhân với một nghề
nghiệp, và nó được coi là sự cống hiến lớn lao của F. Parson cho công tác hướng
dẫn tư vấn nghề. Ngoài ra trong thuyết “Nhân cách và yếu tố” (Trait and Factor), F.
Parson cho rằng: thông qua việc làm các trắc nghiệm tâm lý sẽ phát hiện ra những
đặc điểm nhân cách khác nhau của mỗi con người. Sau khi tìm ra các đặc điểm
nhân cách của mỗi cá nhân, nhà tham vấn giúp những cá nhân đó tìm hiểu và phân
loại các công việc đang có trong thị trường lao động. Người phát triển quan điểm
của F. Parson chính là E.G. Williamson (1900 – 1979). Theo các tác giả của trường
phái này, những đặc điểm nhân cách của mỗi con người sẽ được đo đạc một cách
4
hết sức chính xác và việc lựa chọn nghề nghiệp sẽ tiến hành một lần trong đời. Mỗi
người sẽ có một công việc hoàn toàn phù hợp. Vì vậy, việc tiến hành làm các trắc
nghiệm được coi là một việc làm quan trọng nhất và cơ bản nhất. Thời điểm lý
thuyết này thịnh hành cũng chính là thời điểm những phương pháp đo đạc và trắc
nghiệm tâm lý được áp dụng rộng rãi.

Những trắc nghiệm về khả năng nhận thức, hứng thú, trí thông minh ngày
càng được chuẩn hóa và hoàn thiện, đóng góp một cách tích cực cho tất cả các loại
hình thực hành tham vấn. Sự mở rộng phạm vi ảnh hưởng của ngành tâm lý trị liệu
cùng với nỗ lực đấu tranh cho những hình thức chữa trị nhân đạo đối với bệnh nhân
tâm thần, những bệnh viện điều trị tâm thần được xây dựng khiến cho nhu cầu cần
người trợ giúp được đào tạo chuyên nghiệp cũng gia tăng. Ban đầu, những nhân
viên công tác xã hội, những nhà tâm lý trị liệu được đào tạo về những kỹ năng tham
vấn để có thể đáp ứng nhu cầu này.
Năm 1913, Hội nghị công tác hướng dẫn tư vấn nghề nghiệp lần đầu tiên
được tổ chức tại Boston. Kết quả của Hội nghị này đánh dấu sự ra đời của Hiệp hội
tư vấn hướng nghiệp quốc gia Mỹ (NVGA), tổ chức tiền nhiệm của Hiệp hội tham
vấn Mỹ (ACA) sau này. Đến năm 1930, E.G. Williamson đã đưa ra một lý thuyết
tham vấn hoàn chỉnh, phân biệt rõ rệt với lý thuyết Phân tâm học đang thịnh hành
của Sigmund Freud. Lý thuyết này trở nên nổi tiếng như là một sự chỉ đạo cho hoạt
động tham vấn. E.G. Williamson, sau hơn 40 năm làm việc tại trường đại học
Minnesota, đã phát triển một thang đo có tên là thang đánh giá nghề nghiệp
(Minnesota Occupational Rsting Scales) nhằm phục vụ cho việc đo lường. Tuy
nhiên, lý thuyết này hiện nay không còn được sử dụng rộng rãi, một mặt vì sự ra đời
của nhiều lý thuyết mang tính ứng dụng hơn, mặt khác, do bản thân của lý thuyết
này còn có rất nhiều hạn chế. Những yếu tố như sở thích, năng lực, giá trị, những
đặc điểm tính cách của con người luôn có sự thay đổi khác nhau trong những giai
đoạn của cuộc đời, vì vậy việc xác định nghề nghiệp tại một thời điểm nhất định mà
không tính đến những sự thay đổi là một điều hạn chế.
Đến những năm 30 – 40 của thế kỉ XX, do hậu quả của chủ nghĩa phát xít
nên nhiều nhà triết học, tâm thần học, tâm lý học nhân văn đã chuyển từ Châu Âu
5
sang Mỹ và ngay lập tức những tư tưởng của họ đã ảnh hưởng đến tâm lý trị liệu và
giáo dục ở quốc gia này.
Carl Rogers (1902 – 1987) đã thay đổi công việc thực hành tham vấn theo
hướng thân chủ – trọng tâm (Client – Centered), sử dụng phương pháp tiếp cận gián

tiếp khi làm việc với các cá nhân: “đặt trọng tâm nơi thân chủ”. Phương pháp tham
vấn thân chủ trọng tâm lúc đầu được gọi là liệu pháp thân chủ trọng tâm và sau đó
được gọi là phương pháp tham vấn tập trung vào cá nhân, hướng tiếp cận của Carl
Rogers không chỉ được coi là có ý nghĩa lớn lao trong công việc trợ giúp thân chủ
mà còn được xem là cách sống của con người. Rogers tin rằng bản chất con người
là thiện với những khuynh hướng tiến đến phát triển tiềm năng và XH hoá mà nếu
đặt trong môi trường thuận lợi sẽ phát triển nhận thức và hiện thực hoá tiềm năng
đầy đủ. Rogers giả thiết rằng mỗi người đều sở hữu những tiềm năng cho sự lớn
lên, tiềm năng cho những hành vi có hiệu quả và có khuynh hướng tự hiện thực hoá
những tiềm năng của mình. Sở dĩ một cá nhân nào đó phát triển những hành vi kém
thích nghi là do sự tập nhiễm những mẫu ứng xử sai lệch. Bởi vì mỗi cá nhân đều
có nhu cầu mạnh mẽ được người khác chấp nhận, coi trọng nên anh ta hoặc cô ta có
thể hành động một cách không tự nhiên, không thực tế và phát triển những cảm giác
sai lệch về bản thân, về những điều mình mong muốn. Mục đích của phương pháp
tham vấn tập trung vào cá nhân không phải là chữa trị cho thân chủ hoặc tìm kiếm
những nguyên nhân từ quá khứ mà cái chính là khuyến khích thân chủ tự hiện thực
hoá những tiềm năng của bản thân, tạo điều kiện dễ dàng cho sự phát triển tâm lý
lành mạnh ở thân chủ. Thân chủ được xem như là một chủ thể có hiểu biết, họ phải
được hiểu, được chấp nhận để nhà tham vấn có thể cung cấp những loại hình giúp
đỡ tốt hơn.
C. Rogers đã phát biểu quan điểm của mình về mối tương giao giữa nhà
tham vấn và thân chủ như sau: “Mối tương giao tôi thấy hữu ích là mối tương giao
được định tính bằng một sự trong suốt về phần tôi trong đó cảm quan thực sự của
tôi biểu hiện rõ ràng, bằng sự chấp nhận người khác như một con người riêng biệt,
có giá trị riêng, và bằng một sự cảm thông sâu xa khiến tôi có thể nhìn thế giới
riêng tư của người ấy qua con mắt của người ấy. Khi các điều kiện trên được thực
6
hiện thì tôi trở thành một người bạn đồng hành của thân chủ tôi, theo chân họ trong
sự tìm kiếm chính mình mà bây giờ họ cảm thấy được tự do đảm nhiệm”.
Đầu năm 1942, Rogers xuất bản tập sách “Tham vấn và tâm lý trị liệu”

(Counseling and Psychotherapy), ghi lại những nét chính về phương pháp của ông
được hình thành sau 10 năm kinh nghiệm làm việc trong công tác trị liệu cho cả trẻ
em và người lớn. Cuốn sách này có ảnh hưởng lớn lao đến ngành, nghề tham vấn,
nó đánh dấu sự ra đời của tham vấn hiện đại.
Từ những năm 50 của thế kỉ XX cho đến nay là thời kỳ phát triển mạnh mẽ
của ngành tham vấn. Sự ra đời rầm rộ của các phương tiện hỗ trợ để đánh giá khách
quan tình trạng hiện tại của thân chủ, đó là các trắc nghiệm tâm lý dùng để đánh giá
mức độ nhận thức, hứng thú, trí thông minh, nhân cách. Chính việc cho ra đời các
trắc nghiệm khách quan đã giúp cho việc đánh giá của các nhà chuyên môn thêm
chính xác, đồng thời nâng cao uy tín của hoạt động tham vấn.
Những năm 50 của thế kỉ XX đánh dấu sự phát triển của rất nhiều học thuyết
khác nhau trong lĩnh vực tham vấn gắn liền với tên tuổi của các nhà tâm lí học
(TLH) lớn trên thế giới như: “Các giai đoạn phát triển tâm lý và trí tuệ” của Jean
Piaget (1896 – 1980); “Lý thuyết các giai đoạn phát triển tâm lý cá nhân” của
Erickson (1902 – 1994)… những lý thuyết này đã cung cấp cho các nhà tham vấn
những kiến thức cần thiết về các giai đoạn phát triển của tâm lý cá nhân, từ đó làm
nền tảng cho quá trình tương tác với đối tượng.
Tham vấn phát triển mạnh mẽ vào những năm 60 của thế kỉ XX. Bên cạnh
ba hướng tiếp cận chính là tiếp cận Phân tâm học (Freud), tiếp cận trực tiếp
(Williamson) và tiếp cận thân chủ trọng tâm (Rogers) thì thời kỳ này còn có sự ra
đời của vô số những cách tiếp cận mới như tiếp cận nhận thức của Albert Ellis
(1961), tiếp cận hành vi của Bandura (1969)… Tất cả các hướng tiếp cận tham vấn
này đã giúp ích cho sự phát triển rực rỡ của ngành tham vấn trong giai đoạn đó. Đến
những năm 70 của thế kỉ XX, tham vấn tiếp tục phát triển trong các lĩnh vực như:
tham vấn sức khỏe tâm trí cộng đồng, tham vấn học đường, tham vấn cho người
khuyết tật… Sự đào tạo các nhà tham vấn cũng có quy mô hơn, chú trọng đến các
kỹ thuật như thấu cảm, lắng nghe, đặt câu hỏi, phản hồi… nhằm phát triển mối quan
7
hệ giữa nhà tham vấn và thân chủ một cách hiệu quả. Lúc này tham vấn đã trở thành
một nghề có vị trí vững chắc trong XH.

Từ những năm 80 của thế kỉ XX cho đến nay, ngành tham vấn tiếp tục được
mở rộng và lớn mạnh trong tất cả các lĩnh vực khác nhau của đời sống XH. Ngày
nay tham vấn được xem là một trong những dịch vụ XH có vai trò quan trọng trong
việc nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần cho mỗi cá nhân nói riêng và cho cả
nhân loại nói chung. Ở các nước phương Tây, kể cả một số nước trong khu vực như
Singapo, Thái Lan,… trong mỗi khu dân cư với số lượng vài chục ngàn dân, người
ta thường bố trí một trung tâm tham vấn (Counseling Center) hay văn phòng dịch
vụ gia đình (Family Services) để triển khai các hoạt động trợ giúp XH. Ngoài ra các
mô hình tham vấn học đường ở một số nước trên thế giới cũng khá phổ biến như:
mô hình tham vấn nhà trường được tổ chức tại Mỹ với ba thành phần gồm đội chăm
sóc sức khỏe tâm thần, nhóm phát triển chương trình và đội quản lý học sinh có vấn
đề; mô hình của Thái Lan được tổ chức dưới hình thức Hội sức khỏe tâm thần học
đường, bao gồm các thành phần tham gia như bệnh viện, nhà trường, gia đình;…
Ngành tham vấn ngày càng nhấn mạnh tầm quan trọng của những nguyên tắc
đạo đức và đào tạo chuyên môn của nghề tham vấn. Năm 1995, Hiệp hội tham vấn
Mỹ ACA (American Couseling Association) đã sửa đổi những tiêu chuẩn đạo đức
và những tiêu chuẩn hành nghề tham vấn nhằm làm tăng hiệu quả mối quan hệ trợ
giúp giữa nhà tham vấn và thân chủ, mối quan hệ dựa trên sự thấu cảm, chấp nhận,
quan tâm của nhà tham vấn đối với từng thân chủ có những đặc trưng về lứa tuổi,
giới tính, kinh nghiệm, trình độ văn hóa khác nhau.
1.1.1.2. Các công trình nghiên cứu về tham vấn ở Việt Nam
Ở Việt Nam hiện nay chưa có một thông tin cụ thể nào về điểm khởi đầu
hoạt động chính thức của ngành tham vấn. Lịch sử phát triển ngành tham vấn ở Việt
Nam chưa có một tài liệu nào công bố rõ ràng về từng bước, từng giai đoạn [25,
17]. Vào những năm cuối của thập kỉ 90, chúng ta ngày càng làm quen với các dịch
vụ TVTL. Trước tiên không thể phủ nhận vai trò của các bác sĩ, nhất là những bác sĩ
tâm thần và bác sĩ nhi khoa trong việc phát triển những liệu pháp tâm lý, áp dụng
trong việc chữa trị các bệnh nhân rối nhiễu và rối loạn hành vi, nhân cách, cũng như
8
trong việc chữa trị và làm việc với các bệnh nhân trẻ em, đặc biệt là các trẻ sơ sinh.

Tên tuổi của cố bác sĩ Nguyễn Khắc Viện cùng các cộng sự của ông ở Trung tâm
nghiên cứu tâm lý trẻ em (NT) phải được ghi nhận cùng với những cố gắng phát
triển TLH lâm sàng và tư vấn tâm lý trẻ em.
Các bác sĩ tâm thần học cũng đóng một vai trò lớn trong việc phát triển
những liệu pháp tâm lý ở Việt Nam, làm cơ sở cho TVTL như: Liệu pháp TLH hành
vi, liệu pháp TLH nhận thức, các liệu pháp gia đình, trò chơi… Từ giữa những năm
90, với sự trợ giúp về kinh phí khoa học của nhà nước và các tổ chức khác trong
nước cũng như quốc tế, các nhà TLH Việt Nam đã tiếp cận được với những tổ chức
TLH các nước trên thế giới như: Mỹ, Úc, Canada, Pháp,…, trong số đó có rất nhiều
các nhà TLH thực hành thuộc các trường phái khác nhau: Phân tâm học, TLH hành
vi… Những cuộc đối thoại về chuyên môn, nghề nghiệp, định hướng phát triển
khoa học tâm lý đã củng cố thêm những điều kiện cần thiết cho sự hình thành một
phân ngành khoa học mới ở Việt Nam với khái niệm TLH tham vấn và trị liệu TLH.
Hiện nay ở nước ta cũng đã bắt đầu có một số sách về TVTL đã được xuất
bản như: “Tư vấn tâm lý căn bản” của Th.S Nguyễn Thơ Sinh (Nhà xuất bản Lao
Động, 2006), “Tư vấn tâm lý học đường” do Kiến Văn – Lý Chủ Hưng biên soạn
(Nhà xuất bản phụ nữ, 2007)… Và cũng có nhiều quan điểm khác nhau về TVTL
được in trên các sách, tạp chí như:
– Th.S Bùi Thị Xuân Mai, trường Cao đẳng Lao động – Xã hội, “Tham vấn –
một dịch vụ XH cần được phát triển ở Việt Nam” đăng trên tạp chí TLH, số 2/
2005, chủ yếu bàn về các cách hiểu khác nhau của khái niệm tham vấn và những
yếu tố cơ bản của tham vấn, qua đó cho thấy được sự cần thiết của việc phát triển
ngành tham vấn ở Việt Nam.
– PTS. Nguyễn Thị Phương Hoa, Viện Tâm lý học, “Về tâm lý học tư vấn”,
tạp chí TLH số 2/ 1999, trình bày khái niệm, đối tượng của TLH tư vấn cũng như sự
ra đời của TLH tư vấn ở Việt Nam và triển vọng phát triển TLH tư vấn ở nước ta
trong những năm sắp tới.
– PGS.TS. Trần Thị Minh Đức, Khoa Tâm lý học – Đại học Khoa học Xã hội
& Nhân văn, “Thực trạng tham vấn ở Việt Nam: từ lý thuyết đến thực tế”, tạp chí
9

TLH số 2/ 2003, nhằm đánh giá hoạt động tham vấn và vai trò của các nhà tham
vấn trong giai đoạn hiện nay….
Ngoài ra trong những năm gần đây ngày càng có nhiều trung tâm, dịch vụ hỗ
trợ, trợ giúp tâm lý tại các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. HCM được thành lập đã
góp phần không nhỏ vào việc phát triển nghề tham vấn thực hành. Có thể kể ra một
số trung tâm như: Trung tâm tư vấn Liên Thu (392 Khương Đình, Thanh Xuân, Hà
Nội), trung tâm TVTL Hoàng Nhân – Hà Nội (tổng đài 19008998 – 1900571506),
tư vấn tâm lý Share (số 16, ngõ 371/9, Đê La Thành, phường Ô chợ Dừa, quận
Đống Đa, Hà Nội), trung tâm đào tạo và ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt (55
Hoa Sứ, phường 7, quận Phú Nhuận, Tp. HCM)…
Từ khoảng năm 2000, nhiều trường học tại Tp. HCM như trường Khánh Hội
A – quận 4; Nguyễn Gia Thiều – quận Tân Bình; Diên Hồng – quận 10; Trương
Công Định, Phú Mỹ – quận Bình Thạnh; Mạc Đĩnh Chi – quận 6 và rất nhiều
trường khác nữa đã chủ động phối hợp với các chuyên viên tâm lý và các tổ chức
trong và ngoài nước để triển khai các chương trình tham vấn học đường cho HS.
Năm 2003, hội thảo “Nhu cầu tư vấn học đường tại Tp. HCM” được Viện
Nghiên cứu Giáo dục, trường Đại học Sư phạm Tp. HCM tổ chức với sự tham gia
của nhiều nhà tâm lý, giáo dục và hiệu trưởng các trường có hoạt động tham vấn
học đường để “mổ xẻ” và kêu gọi sự quan tâm của giới chuyên môn cũng như các
cơ quan chính phủ trong việc xây dựng các chiến lược nhằm phát triển hoạt động
tham vấn học đường tại Việt Nam. Cũng trong thời gian này, một vài sinh viên khoa
Tâm lý – Giáo dục trường Đại học Sư phạm Tp. HCM đã chọn đề tài cho luận văn
tốt nghiệp của mình về vấn đề tham vấn học đường. Những “sự kiện” này được xem
là những bước khởi đầu cho nhiều sự thay đổi tiếp theo của ngành tham vấn học
đường tại Việt Nam.
Năm 2004, Trung tâm hỗ trợ tư vấn tâm lý (CACP) thuộc trường Đại học
Khoa học xã hội & Nhân văn Hà Nội được thành lập và cũng đề cập đến hoạt động
nghiên cứu và hỗ trợ hoạt động tham vấn học đường.
Năm 2005, với sự chấp thuận của Ủy ban Dân số – Gia đình – Trẻ em Tp.
HCM và sự hỗ trợ của UNICEF, văn phòng tư vấn trẻ em Tp. HCM đã tổ chức hội

10
thảo “Kinh nghiệm bước đầu thực hiện mô hình tham vấn trong trường học”, cũng
nhận được sự quan tâm và chia sẻ kinh nghiệm thực tế của nhiều chuyên gia và
những nhà lãnh đạo các trường học. Ngày 18 tháng 02 năm 2006, Hội thảo khoa
học quốc gia “Tư vấn tâm lý – giáo dục lý luận, thực tiễn và định hướng phát triển”
đã được tổ chức tại Tp. HCM. Trong hội thảo cũng đã đề cập đến vấn đề tham vấn
học đường như là một điều “khẩn thiết” nhằm hỗ trợ HS và nhà trường trong hoạt
động giáo dục. Sở Giáo dục – Đào tạo Tp. HCM cũng tổ chức những buổi sinh hoạt
đề cập đến hoạt động tư vấn học đường trong thời gian này với sự tham gia của các
nhà tâm lý, giáo dục, nhà trường và phụ huynh HS. Ngoài ra, chuyên mục tham vấn
học đường do báo Phụ nữ Tp. HCM khởi xướng (ThS. Nguyễn Thị Oanh phụ trách)
cũng nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của đông đảo HS, phụ huynh và các
trường học. Tháng 06 năm 2006, cuốn sách “Tư vấn tâm lý học đường” của tác giả
Nguyễn Thị Oanh đã được nhà xuất bản Trẻ phát hành trên toàn quốc.
Đến nay, vấn đề tham vấn học đường tại Việt Nam đã trở thành một đề tài
nóng bỏng và nhận được nhiều sự ủng hộ từ các em HS, phụ huynh, nhà trường, các
nhà tâm lý – giáo dục và các tổ chức thuộc chính phủ cũng như các tổ chức phi
chính phủ. Tuy nhiên, diện mạo của một ngành nghề chuyên nghiệp vẫn chưa thật
sự được định hình.
1.1.2. Sơ lược lịch sử nghiên cứu về nhu cầu
1.1.2.1. Các công trình nghiên cứu về nhu cầu trên thế giới
Đầu tiên phải kể đến chủ nghĩa hành vi do nhà TLH Mỹ J. Watson (1878 –
1958) sáng lập. Bài báo với tên gọi “TLH từ góc nhìn của nhà TLH hành vi” vào
năm 1913 được coi là sự công khai công bố khai sinh dòng TLH này. Theo ông,
TLH không mô tả, giảng giải các trạng thái ý thức mà chỉ nghiên cứu hành vi cơ
thể. Hành vi của con người được hiểu là tất cả các cử chỉ và lời nói đã hình thành
trong cuộc sống hay bẩm sinh và là những gì con người đã làm từ lúc sinh ra cho
đến chết. Hành vi là tất cả các phản ứng (R) và sự đáp ứng các kích thích bên ngoài
(S), gián tiếp qua đó cá thể được thích nghi [17, 170].
Theo TLH hành vi, mọi vấn đề tâm lý như ý thức, tư tưởng, tình cảm, nhu

cầu, động cơ… đều là những khái niệm mơ hồ, không ai thấy được, đo được. Vì thế
11
chúng đều là phi vật chất và không thể quyết định được một hiện tượng vật chất.
Nhưng mặt khác, ngay từ thế kỉ 19, các tác giả như Ethorndike, NE. Miller đã có
những thí nghiệm nghiên cứu về nhu cầu ở động vật và khẳng định: các kiểu hành
vi của con vật được thúc đẩy bởi nhu cầu, nhu cầu có thể quyết định hành vi. Sau
này, các đại biểu TLH hành vi mới đưa vào công thức S – R một biến số trung gian:
đó là nhu cầu, trạng thái chờ đón, kinh nghiệm sống,… Các tác giả này giải thích
rằng biến số trung gian có tác dụng điều chỉnh đáp ứng phù hợp với các kích thích
vào cơ thể. Các nhà hành vi không coi nhu cầu là thuộc về tâm lý, nhưng trên thực
tế, nghiên cứu của họ cho thấy các thực nghiệm đã chỉ ra rằng các nhà TLH hành vi
nghiên cứu khá rõ và kỹ lưỡng về nhu cầu, đặc biệt là những nhu cầu sinh lý. Điểm
hạn chế của họ là quan niệm đồng nhất nhu cầu của con người và nhu cầu ở con vật.
Thiếu sót này do các thực nghiệm mà các nhà hành vi dựa vào để đi đến kết luận
thường là thực nghiệm trên động vật.
Clark Hull (1952), một lý thuyết gia tại Đại học tổng hợp Yale với thuyết
xung năng theo hướng tiếp cận sinh học cho rằng: nhu cầu sinh lý chi phối đời sống
con người, thúc đẩy hoạt động của con người. Ông không phủ định sự có mặt của
những nhu cầu, động cơ khác nhưng theo ông, chúng kết hợp và bị chi phối bởi nhu
cầu thể chất. Về bản chất, thuyết xung năng đã sinh vật hóa nhu cầu của con người,
xem nhu cầu như là xung năng mang tính sinh vật, nảy sinh từ sự thiếu hụt thức ăn,
nước uống, không khí… qua đó phủ nhận tính XH, bản chất XH của nhu cầu, quy
gán nhu cầu nội tâm và nhu cầu XH đều do yếu tố sinh vật tạo ra.
Một trong những học thuyết về tâm lý có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong
nhiều lĩnh vực cuộc sống và có giá trị thực tiễn cho đến ngày hôm nay là thuyết
Phân tâm học. Nó gắn liền với tên tuổi của thiên tài Sigmund Freud (1856 – 1939)
và đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Trong quá trình nghiên cứu của mình,
ông cũng đã đề cập đến vấn đề nhu cầu của cơ thể trong “Lý thuyết bản năng của
con người”. Ông khẳng định, Phân tâm học coi trọng nhu cầu tự do cá nhân như các
nhu cầu tự nhiên, đặc biệt là nhu cầu tình dục. S. Freud cho rằng, toàn bộ sức mạnh

tác động ở phía sau những nhu cầu cấp bách của của cái ấy và biểu hiện những nhu
cầu thuộc loại thể chất trong tâm thần là xung lực. Theo ông, những xung lực này
12
có bản chất sinh học và rất đa dạng. Nói cách khác, xung lực bắt nguồn từ những
nhu cầu cơ thể. Trong tất cả xung lực vốn có của cá nhân, chỉ có hai xung lực cơ
bản: tính dục (Eros) và phá hủy (Thanatos). Khi phân tích các xung lực Eros, ông
cho rằng Eros mạnh hơn Thanatos; từ đó Freud đi đến khẳng định, nó không phải là
thứ nhu cầu tính dục nói chung, mà đó là xung lực khát dục (Libido), tức là những
khoái lạc tính dục của cá nhân. Theo cách hiểu của S.Freud, Libido giống như sự
đói ăn nói chung. Con người đói, tức là nhu cầu tiêu thụ thức ăn cần phải được thỏa
mãn, cũng vậy, con người khát dục khi có nhu cầu nhục dục cần được thỏa mãn.
Xung lực Libido chính là sự tạo ra khoái lạc nhục dục do nhu cầu tính dục được
thỏa mãn [20, 259]. Việc thỏa mãn nhu cầu tình dục sẽ giải phóng năng lượng tự
nhiên, và như thế, tự do cá nhân thực sự được tôn trọng, kìm hãm nhu cầu này sẽ
dẫn đến hành vi mất định hướng của con người.
Một trong những nhà TLH nổi tiếng hiện nay theo xu hướng Freud mới là
Erich Fromm (1901). E. Fromm cho rằng cơ chế tự nhiên và XH trong con người là
vô thức, đó là cái phi lý, hạt nhân của nhân cách. Nó biểu hiện sự mong muốn vươn
tới cái hài hòa toàn diện của con người. Ông cho rằng nhu cầu tạo ra cái tự nhiên
trong con người. Những nhu cầu đó là: 1. Nhu cầu quan hệ giữa người và người; 2.
Nhu cầu tồn tại “cái tâm” con người; 3. Nhu cầu về sự bền vững và hài hòa; 4. Nhu
cầu đồng nhất bản thân và xã hội với dân tộc, với giai cấp, với tôn giáo; 5. Nhu cầu
nhận thức, nghiên cứu. Những nhu cầu này là thành phần tạo nên nhân cách [2, 70].
TLH nhân văn ra đời như là một khuynh hướng đối lập với TLH hành vi và
Phân tâm học. Trường phái TLH nhân văn là sự tổng hợp nhiều khuynh hướng mới
và nhiều trường phái tư tưởng khác nhau với các đại diện tiêu biểu như: A. Maslow,
C. Rogers, G. Allport trong đó “Thuyết thứ bậc nhu cầu” của A. Maslow (1908 –
1970) có tầm ảnh hưởng rất lớn trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả lĩnh
vực giáo dục. Trong lý thuyết này, ông sắp xếp các nhu cầu của con người theo một
hệ thống trật tự thứ bậc, trong đó, các nhu cầu ở mức độ cao hơn muốn xuất hiện thì

các nhu cầu ở mức độ thấp hơn phải được thỏa mãn. Ông đã đưa ra 5 nấc thang nhu
cầu có nội dung bao hàm, được xếp theo thứ tự từ nhu cầu vật chất cơ bản cần thiết
đến nhu cầu tinh thần nâng cao như sau :
13
– Nhu cầu sinh lý (Hysiological needs).
– Nhu cầu về an toàn (Safety needs).
– Nhu cầu được giao lưu tình cảm và được lệ thuộc (Love and Belongingness).
– Nhu cầu về được tôn trọng (Esteem needs).
– Nhu cầu được thể hiện mình (Self – actualizing needs).
Các loại nhu cầu này được chia làm nhu cầu cấp thấp và nhu cầu cấp cao :
– Nhu cầu cấp cao :
+ Nhu cầu được giao lưu tình cảm và được lệ thuộc
+ Nhu cầu được tôn trọng
+ Nhu cầu được thể hiện mình
– Nhu cầu cấp thấp :
+ Nhu cầu an toàn
+ Nhu cầu sinh lý
Bốn mức nhu cầu đầu tiên ông gọi đó là nhóm nhu cầu thiếu hụt. Còn ở mức
thứ năm, ông chia thành các nhu cầu nhỏ hơn: nhu cầu thẩm mỹ, nhu cầu sáng tạo
và nhu cầu hiểu biết, ông gọi là nhóm các nhu cầu phát triển. Sự phân chia này tùy
theo thang bậc nhưng nó không phải là cố định mà chúng linh hoạt, thay đổi tùy
theo điều kiện cụ thể. Ông cho rằng nhu cầu sinh lý là mạnh nhất, còn nhu cầu được
thể hiện mình là nhu cầu yếu nhất. Nhu cầu được giao lưu tình cảm và được lệ
thuộc là nhu cầu vừa cấp thấp vừa cấp cao. Các nhu cầu cấp thấp thường được ưu
tiên chú ý trước so với những nhu cầu bậc cao.
Những nhu cầu này xuất hiện theo thứ tự trong quá trình phát triển chủng loại,
cũng như phát triển của cá nhân. Đồng thời đây cũng là thứ tự thỏa mãn các nhu cầu
đó. Nếu nhu cầu cấp thấp không được thỏa mãn thì nhu cầu cấp cao cũng không thể
thực hiện được. Con người sống trong điều kiện nghèo nàn thì chỉ chú ý đến điều
kiện thỏa mãn nhu cầu sinh lý và an toàn. Sống trong điều kiện giàu có khi nhu cầu

cấp thấp không còn đáng lo lắng nữa thì người ta chú ý đến nhu cầu cấp cao. Nhu
cầu được thể hiện mình là nhu cầu cao nhất nhằm phát triển tiềm năng của cá nhân.
Nhu cầu này khác nhau ở mỗi người vì mỗi người đều có tiềm năng riêng khác
nhau. Có người có nhu cầu tự thể hiện trên lĩnh vực văn chương, người khác thì có
14
nhu cầu lãnh đạo…Những nhu cầu này không bị sự kiểm soát của XH, nhưng
không phải ai cũng thực hiện được nhu cầu này bởi vì còn những nhu cầu khác chưa
thực hiện được [2, 79].
Maslow đã chứng minh rằng, tính XH nằm trong chính bản tính của con
người. Con người có những nhu cầu chân chính về giao tiếp, tình yêu, lòng kính
trọng… Đó là những nhu cầu đặc trưng cho giống người. Tính người của các nhu
cầu được hình thành trong quá trình phát sinh loài người. Mọi nhu cầu trong hệ
thống nhu cầu đều có liên quan với cấu trúc cơ thể của con người và đều dựa trên
một nền tảng di truyền nhất định [22, 89].
Sau Cách mạng tháng Mười, nền TLH ở Liên Xô đã có bước phát triển mạnh
mẽ, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm cơ sở phương pháp luận của TLH. Các nhà
TLH Liên Xô khi nghiên cứu về con người, đời sống tâm lý người đã khẳng định:
nhu cầu là yếu tố bên trong quan trọng đầu tiên thúc đẩy hoạt động của con người.
Ngay trong triết học, F. Ănghen – tuy không phải là một nhà tâm lý học,
nhưng khi nói về quan điểm của mình về nhu cầu ông khẳng định: “Người ta quy
cho trí óc, cho sự mở mang và hoạt động của bộ óc tất cả công lao làm cho xã hội
phát triển được nhanh chóng, và đáng lẽ người ta phải giải thích rằng hoạt động của
mình là do nhu cầu của mình quyết định (mà những nhu cầu đó quả thật đã phản
ánh vào trong đầu óc con người, làm cho họ có ý thức đối với những nhu cầu đó) thì
người ta lại quen giải thích rằng hoạt động của mình là do tư duy của mình quyết
định”. (F. Ănghen – Phép biện chứng của tự nhiên, Nhà xuất bản Sự thật, trang
280).
D.N. Uzantze đã chú ý tới khái niệm nhu cầu và ý nghĩa của nó đối với hoạt
động của cơ thể ngoài nhu cầu của con người. Nhu cầu là nguồn gốc của tính tích
cực, không có nhu cầu thì không có tính tích cực. Như vậy quan điểm của ông về

khái niệm nhu cầu rất rộng, nó liên quan tới tất cả những gì cần thiết đối với cơ thể
sống. Hơn nữa, theo ông nhu cầu con người ở mức phát triển như hiện nay đã tập
hợp được nhiều nhu cầu cho bản thân. Trong trường hợp nhu cầu đang trên đường
thỏa mãn mà gặp khó khăn trở ngại, tức là nó không được thực hiện một cách trực
tiếp, nhu cầu sẽ xuất hiện trong ý thức của chủ thể và có nội dung đặc biệt. Từ phía
15
chủ thể nó được thể nghiệm ở dạng cảm xúc không được thỏa mãn, lúc này con
người ở trạng thái hưng phấn và căng thẳng, còn ở phía khách thể ở dạng nội dung
đối tượng đã được xác định và nó đang kích thích hành động. Khi xuất hiện nhu cầu
với cường độ lớn, con người bắt đầu hoạt động để thỏa mãn.
Trong các công trình nghiên cứu của mình, X.L. Rubinstein đã bàn về nhiều
vấn đề khác nhau trong đó có khái niệm nhu cầu. Dựa trên quan điểm triết học Mác
– Lênin, ông đã tạo ra một hệ thống tri thức phong phú trong đó có lý thuyết về nhu
cầu. Theo ông, con người có nhu cầu sinh vật nhưng bản chất con người là sản
phẩm của XH loài người, vì vậy cần xem xét đồng thời các vấn đề cơ bản của con
người với nhân cách. Chính vì vậy, ông đã nhấn mạnh mối quan hệ lẫn nhau của
con người với tự nhiên, đó là mối quan hệ nhu cầu, nghĩa là sự cần thiết của con
người về một cái gì đó nằm ngoài cơ thể con người. X.L. Rubinstein cho rằng TLH
không nên xuất phát từ nhu cầu mà phải tiến dần và khám phá ra nhiều biểu hiện đa
dạng của nó. Ông chính là người đầu tiên khám phá ra quá trình nảy sinh nhu cầu.
Trong nhu cầu con người xuất hiện sự liên kết con người với thế giới xung quanh và
xuất hiện sự phụ thuộc của cá nhân đối với thế giới.
A.N. Leonchiev (1903 – 1979) cho rằng nhu cầu có nguồn gốc trong hoạt động
thực tiễn. Theo ông, nhu cầu thực sự bao giờ cũng có tính đối tượng. Trong mối
quan hệ giữa đối tượng thỏa mãn nhu cầu và nhu cầu, ông cho rằng đối tượng tồn
tại một cách khách quan và không xuất hiện khi chủ thể mới chỉ có cảm giác thiếu
hụt hay đòi hỏi. Chỉ khi chủ thể thực sự hoạt động thì đối tượng thỏa mãn nhu cầu
mới xuất hiện và lộ diện ra. Nhờ có sự lộ diện ấy mà nhu cầu mới có tính đối tượng.
Với tính chất là một cá nhân, chủ thể sinh ra đã có nhu cầu nhưng với tính chất
là sức mạnh nội tại thì nhu cầu được thực hiện trong hoạt động. Nói cách khác, lúc

đầu nhu cầu chỉ xuất hiện như là một điều kiện, một tiền đề cho hoạt động, thì lập
tức xảy ra sự biến hóa của nhu cầu, không còn là nhu cầu trước nữa. Sự biến đổi nội
dung cụ thể của đối tượng nhu cầu cũng kéo theo sự biến đổi các phương thức để
thỏa mãn các nhu cầu [2, 131]. Ông phê phán việc tách nhu cầu ra khỏi hoạt động vì
như vậy sẽ coi nhu cầu là điểm xuất phát của hoạt động. Mối liên hệ giữa hoạt động
với nhu cầu được ông mô tả bằng sơ đồ: Hoạt động – Nhu cầu – Hoạt động. Theo
16
A.N. Leonchiev, cuộc sống là hệ thống các hoạt động thay thế nhau. Mặt khác nếu
nhìn nhận khởi thủy nhu cầu làm nảy sinh hoạt động thì sẽ không giải thích được
nguồn gốc của nhu cầu. Bởi vì nhu cầu của con người về cơ bản có nguồn gốc từ
thế giới khách quan, nó nảy sinh thông qua hoạt động của mỗi người. Tất nhiên đến
lượt mình, nhu cầu lại phát huy tính tích cực trong hoạt động thỏa mãn nhu cầu.
Luận điểm này đáp ứng được quan niệm mác xít về nhu cầu, cho rằng nhu cầu con
người cũng được sản xuất ra. Đó là luận điểm có ý nghĩa đối với TLH.
A.N. Dernhitrenko và N.V. Gontrancov khi nghiên cứu về nhu cầu cho rằng
nhu cầu là cốt lõi của nhân cách. Hai ông đã nghiên cứu vấn đề nguồn năng lượng
của nhu cầu và nhấn mạnh rằng khả năng thỏa mãn nhu cầu của chủ thể phụ thuộc
vào sự chuẩn bị hành động của cá nhân. Cụ thể nó được thể hiện ở dạng chủ thể đã
được trang bị thông tin đầy đủ ở mức độ nhất định về khả năng thỏa mãn nhu cầu.
Thông tin này chỉ rõ mối quan hệ giữa những thông báo với trạng thái của cá nhân,
từ đó nó xác định (tâm thế xác định). Tâm thế này sẽ làm giảm tính không xác định
của hoàn cảnh, kết quả làm tăng năng lượng của nhu cầu. Nguồn năng lượng của
nhu cầu không chỉ phụ thuộc vào mức độ đạt được đối tượng của nhu cầu mà còn
phụ thuộc vào sự thỏa mãn. Lúc này năng lượng nhu cầu bắt đầu quy định phản ứng
của cảm xúc thông qua kết quả hoạt động hướng tới việc thỏa mãn nhu cầu. Nếu
như hoàn cảnh cuối cùng không thuận lợi cho việc thỏa mãn nhu cầu, năng lượng
của nhu cầu giảm xuống do tác động của hoàn cảnh không xác định đang lớn mạnh.
Nhưng theo P.V. Ximonov, nếu nhu cầu cấp bách xuất hiện mà thiếu hụt thông tin sẽ
dẫn đến cảm xúc âm tính. Điều này làm phát triển năng lượng của nhu cầu, mặc dù
kết quả hành vi không thuận lợi. Trong trường hợp ngược lại, cảm xúc dương tính

làm tập hợp hành động. Như vậy, sự thay đổi tập hợp cảm xúc của năng lượng nhu
cầu được quy định bởi thông tin về khả năng thỏa mãn nhu cầu và phụ thuộc vào
mức độ ý nghĩa của nhu cầu. Sau khi phân tích sự chuyển tải năng lượng của nhu
cầu P.V. Ximonov đã có lý khi kết luận rằng đặc điểm của nhân cách phụ thuộc vào
sự trang bị thông tin, các công cụ, phương tiện và cách thức thỏa mãn nhu cầu [3,
18].
17
1.1.2.2. Các công trình nghiên cứu về nhu cầu ở Việt Nam
– Đỗ Ngọc Khanh, “Nhu cầu hoạt động tham vấn ở các trường giáo dưỡng”,
Viện Tâm lý học, 2008.
– Vũ Kim Thanh, “Tư vấn tâm lý – một nhu cầu xã hội cần được đáp ứng”,
Khoa Tâm lý – Giáo dục học, Đại học Sư phạm Hà Nội, 2001.
– Dương Thị Diệu Hoa – Vũ Khánh Linh – Trần Văn Thức, “Khó khăn tâm
lý và nhu cầu tham vấn của học sinh THPT”, trường Đại học Sư phạm Hà Nội,
2007.
– Nhu cầu tham vấn tâm lý của học sinh trung học cơ sở và THPT, nghiên
cứu của khoa Tâm lý – Giáo dục, Đại học Sư phạm Hà Nội, 2005.
– Phạm Thị Thúy Hạnh, “ Nhu cầu tham vấn tâm lý của học sinh trung học
cơ sở”, Luận văn Thạc sĩ Tâm lý học, 2007.
– Triệu Thị Hương, “ Nhu cầu tham vấn tâm lý của sinh viên Học viện Cảnh
sát nhân dân”, Luận văn Thạc sĩ Tâm lý học, 2006.
– Nguyễn Thị Thu Hòa, “Nhu cầu tham vấn tâm lý của học sinh THPT Thành
phố Điện Biên”, Luận văn Thạc sĩ Tâm lý học, 2005.
– Võ Thị Ngọc Châu, “Nghiên cứu nhu cầu thành đạt và quan hệ của nó với
tính tích cực nhận thức của sinh viên”, Luận văn Thạc sĩ Tâm lý học, 1999.
– Hoàng Thị Thu Hà, “ Nhu cầu học tập của sinh viên Đại học Sư phạm Hà
Nội”, Luận văn Tiến sĩ Tâm lý học, 2003.
– Đàm Thị Quế Anh, Khóa luận tốt nghiệp “Nhu cầu tham vấn tâm lý của
sinh viên trường Đại học Sư Phạm – Đại học Đà Nẵng”, 2009.
1.2. Cơ sở lý luận của vấn đề

1.2.1. Lý luận về nhu cầu
1.2.1.1. Khái niệm nhu cầu
Vấn đề nhu cầu đã được nhiều nhà TLH nghiên cứu, và cho đến nay cũng có
rất nhiều định nghĩa khác nhau về nhu cầu.
Theo Từ điển TLH của Nguyễn Khắc Viện thì nhu cầu là “Điều cần thiết để
bảo đảm tồn tại và phát triển. Được thỏa mãn thì dễ chịu, thiếu hụt thì khó chịu,
căng thẳng, ấm ức. Có nhu cầu của cá nhân, có nhu cầu chung của tập thể, khi hòa
18
hợp khi mâu thuẫn; có nhu cầu cơ bản, thiết yếu, có thứ yếu, giả tạo. Nhu cầu do
trình độ phát triển của XH mà biến đổi” [27, 266].
Theo Henry Murray (1893 – 1988) thì nhu cầu được hiểu là một tổ chức
động cơ, nó tổ chức và hướng dẫn các quá trình nhận thức, tưởng tượng, hành vi.
Nhờ nhu cầu mà hoạt động của con người mang tính chất có mục đích. Do đó hoặc
là đạt được sự thỏa mãn nhu cầu, hoặc là ngăn ngừa sự đụng độ khó chịu với môi
trường. Murray cho rằng: sự xuất hiện nhu cầu dẫn đến những thay đổi hóa học
trong não và do tác động của chúng mà diễn ra hoạt động tư duy và tình cảm. Bất
kỳ nhu cầu nào cũng gây ra trong cơ thể sự căng thẳng nhất định, mà việc giải tỏa
nó chỉ bằng cách thỏa mãn nhu cầu. Như vậy nhu cầu phóng ra các kiểu hành vi
nhất định, mang lại sự thỏa mãn cần tìm [20, 319].
A.G. Covaliop tiếp cận khái niệm nhu cầu với tư cách là nhu cầu của nhóm
XH. Ông cho rằng: “Nhu cầu là sự đòi hỏi của các cá nhân và của nhóm XH khác
nhau muốn có những điều kiện nhất định để sống và để phát triển. Nhu cầu quy
định sự hoạt động XH của cá nhân, các giai cấp và tập thể”. Như vậy, dù là nhu cầu
cá nhân hay nhu cầu XH, nó vẫn là sự biểu hiện mối quan hệ tích cực của con người
đối với hoàn cảnh sống.
Theo A.N. Leonchiev (1903 – 1979) thì nhu cầu là một trạng thái của con
người, cần một cái gì đó cho cơ thể nói riêng, con người nói chung sống và hoạt
động. Nhu cầu luôn có đối tượng, đối tượng của nhu cầu là vật chất hoặc tinh thần,
chứa đựng khả năng thỏa mãn nhu cầu. Nhu cầu có vai trò định hướng đồng thời là
động lực bên trong kích thích hoạt động của con người.

Theo Giáo sư – Viện sĩ Phạm Minh Hạc: “Nhu cầu bao giờ cũng là nhu cầu
về một cái gì đó. Nhu cầu chỉ có được chức năng hướng dẫn khi có sự gặp gỡ giữa
chủ thể và khách thể”. Nhu cầu là thành tố quan trọng tạo nên xu hướng nhân cách
của cá nhân, cùng với các thành tố khác như hứng thú, niềm tin, thế giới quan, lý
tưởng thì nhu cầu là sự bộc lộ ra bên ngoài của xu hướng.
Nhìn chung, các quan niệm về nhu cầu đã trình bày ở trên đều có sự tương
đồng ở nhiều điểm:
19
– Khẳng định nhu cầu của con người và XH là một hệ thống đa dạng, bao
gồm nhu cầu tồn tại (ăn uống, duy trì nòi giống, tự vệ…), nhu cầu phát triển (học
tập, giáo dục, văn hóa…), nhu cầu chính trị, tôn giáo… Nhu cầu của con người xuất
hiện như những đòi hỏi khách quan của XH, do XH quy định, đồng thời nhu cầu
mang tính cá nhân với những biểu hiện phong phú và phức tạp.
– Nhu cầu là hình thức tồn tại của mối quan hệ giữa cơ thể sống và thế giới
xung quanh, là nguồn gốc của tính tích cực, mọi hoạt động của con người đều là
quá trình tác động vào đối tượng nhằm thỏa mãn nhu cầu nào đó. Do vậy, nhu cầu
được hiểu là trạng thái cảm nhận được sự cần thiết của đối tượng đối với sự tồn tại
và phát triển của mình. Nhu cầu khi được thỏa mãn sẽ tạo ra những nhu cầu mới ở
mức độ cao hơn, con người sau khi hoạt động để thỏa mãn nhu cầu thì phát triển, và
nảy sinh ra nhu cầu cao hơn nữa. Và như vậy, nhu cầu vừa được coi là tiền đề, vừa
được coi là kết quả của hoạt động. Nhu cầu là tiền đề của sự phát triển.
Trên cơ sở tìm hiểu, phân tích các khái niệm khác nhau về nhu cầu và trong
khuôn khổ của đề tài chúng tôi sử dụng định nghĩa của GS.TS. Nguyễn Quang Uẩn:
“Nhu cầu là sự biểu hiện mối quan hệ tích cực của cá nhân đối với hoàn cảnh, là sự
đòi hỏi tất yếu mà con người thấy cần được thỏa mãn để tồn tại và phát triển” [28].
1.2.1.2. Đặc điểm của nhu cầu
Nhu cầu của con người có những đặc điểm cơ bản sau:
– Nhu cầu bao giờ cũng có đối tượng: Khi chủ thể gặp đối tượng được ý thức
là có giá trị để thỏa mãn nhu cầu của mình và có điều kiện thực hiện phương thức
thỏa mãn thì nhu cầu đó trỏ thành động cơ thúc đẩy chủ thể hoạt động nhằm vào đối

tượng. Đối tượng của nhu cầu càng được xác định cụ thể, ý nghĩa của nhu cầu đối
với đời sống cá nhân và đời sống XH càng được nhận thức sâu sắc thì nhu cầu càng
nhanh chóng được nảy sinh, củng cố và phát triển. Đối tượng của nhu cầu nằm
ngoài chủ thể, đồng thời là cái chứa đựng khả năng thỏa mãn nhu cầu. Bản thân đối
tượng đáp ứng nhu cầu luôn tồn tại một cách khách quan và không tự bộc lộ ra khi
chủ thể tiến hành hoạt động. Khi đối tượng của nhu cầu được chủ thể ý thức thì nhu
cầu thực sự là một sức mạnh nội tại, sức mạnh tâm lý kích thích và hướng dẫn hoạt
động.
20
Tính đối tượng của nhu cầu được xuất hiện trong hoạt động có đối tượng của
chủ thể. Nhu cầu với tư cách là một năng lực hướng dẫn, điều chỉnh hoạt động khi
được “đối tượng hóa” là điều kiện nảy sinh tâm thế. Với ý nghĩa đó, nhu cầu thực
sự là một cấp độ của phản ánh tâm lý, ở cấp độ này, nhu cầu được phát triển thông
qua sự phát triển nội dung đối tượng của nhu cầu. Đây chính là đặc điểm đặc trưng
của nhu cầu ở con người.
Quá trình phát triển của con người thực chất là quá trình phát triển nội dung
đối tượng của các nhu cầu và ở mức độ cao hơn của thế giới đối tượng, là sự phát
triển của các động cơ hoạt động cụ thể của con người. Như vậy, sự phát triển các
nhu cầu diễn ra theo con đường phát triển các hoạt động tương ứng với một phạm vi
đối tượng ngày càng phong phú và đa dạng.
– Nhu cầu có tính ổn định: Trong xu thế vận động, nhu cầu có thể xuất hiện
lặp đi lặp lại (thông thường ở mức độ cao hơn) khi sự đòi hỏi gây ra nhu cầu tái
hiện. Tính ổn định của nhu cầu được thể hiện bởi tần số xuất hiện một cách thường
xuyên, liên tục. Tính ổn định của nhu cầu thể hiện ở cấp độ cao của nhu cầu: cấp độ
tâm lý, nhu cầu là một thuộc tính tâm lý. Nhu cầu càng phát triển ở mức độ cao thì
càng ổn định, càng bền vững.
– Nội dung của nhu cầu do những điều kiện và phương thức thỏa mãn nó quy
định. Kết quả nghiên cứu của Đacuyn cho thấy: Nếu chỉ dùng một loại lá cây để
nuôi một loại sâu thì sau này con sâu đó không ăn loại lá cây khác, mặc dù loại lá
cây đó rất thích hợp cho việc nuôi sống nó. Trong phòng thí nghiệm của Pavlov,

Xitovit cũng đã dùng sữa bò để nuôi một con chó ngay từ khi nó mới lọt lòng mẹ
đến khi lớn. Về sau con chó này chỉ biết ăn sữa bò mà “dửng dưng”, “cự tuyệt” với
bánh mì và thịt. Như vậy: chính điều kiện sống đã quy định nội dung đối tượng của
nhu cầu. Nói cách khác, mọi nhu cầu đều là hình thức đặc biệt của sự phản ánh
những điều kiện sống bên ngoài.
Nội dung của nhu cầu còn phụ thuộc vào phương thức thỏa mãn nó. C. Mác
viết: “Đói là cái đói song cái đói được thỏa mãn bằng thịt chín với cách dùng dao
vào nĩa thì khác hẳn với cái đói bắt buộc phải nuốt bằng thịt sống với cách dùng tay,
móng và răng”.
21
Nhu cầu của con người cũng phụ thuộc vào những điều kiện và phương thức
sinh hoạt của gia đình và XH. Cho nên muốn cải tạo những nhu cầu xấu xa ở con
người trước hết phải cải tạo cơ sở XH đã làm nảy sinh ra nó. Muốn làm nảy sinh
những nhu cầu tốt phải tạo ra những điều kiện và phương thức sinh hoạt tương ứng
với nó.
– Nhu cầu có tính chu kì: khi một nhu cầu nào đó được thỏa mãn không có
nghĩa là nhu cầu ấy đã chấm dứt mà nó chỉ tạm thời lắng xuống sau một thời gian
lại tiếp tục tái diễn, nếu người ta vẫn còn sống và phát triển trong điều kiện và
phương thức sinh hoạt kiểu cũ, sự tái diễn đó thường có tính chất chu kì. Tính chất
chu kỳ này là do sự biến đổi có tính chất chu kỳ của hoàn cảnh xung quanh và của
cơ thể gây ra.
– Nhu cầu của con người khác xa về chất so với nhu cầu của con vật: nhu cầu
của người mang bản chất xã hội. Điều này được thể hiện ở đối tượng, phương thức
thỏa mãn nhu cầu, tính ý thức trong việc thỏa mãn nhu cầu.
1.2.1.3. Phân loại nhu cầu
Có nhiều cách phân loại nhu cầu:
– Nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần:
+ Nhu cầu vật chất là những đòi hỏi về điều kiện vật chất tự nhiên chính
đáng, tất yếu như các điều kiện ngoại cảnh, địa lý, các cơ sở và yếu tố vật chất đảm
bảo cho con người và XH có thể tồn tại và phát triển được. Ví dụ: nhu cầu ăn, ở,

mặc… [3, 53].
+ Nhu cầu tinh thần là sự đòi hỏi các giá trị tinh thần làm cơ sở cho sự tồn tại
và phát triển của con người và XH [3, 53]. Ví dụ: nhu cầu nhận thức, nhu cầu thẩm
mĩ, nhu cầu lao động, nhu cầu giao lưu, nhu cầu hoạt động XH…
Tuy nhiên sự phân chia này chỉ mang tính chất tương đối.
– Nhu cầu cá nhân và nhu cầu XH:
+ Nhu cầu cá nhân là một hiện tượng tâm lý cá nhân, nó xuất hiện khi cá
nhân cảm thấy cần phải có những điều kiện nhất định nào đó để đảm bảo sự tồn tại
và phát triển cho bản thân mình [3, 52].
22
+ Nhu cầu XH là hiện tượng tâm lý XH tồn tại ở nhiều con người cụ thể
khác nhau nhưng có tính phổ biến và đồng nhất. Đó là nhu cầu chung của nhóm có
nhiều cá nhân là thành viên, trở thành của cả nhóm về những điều kiện nhất định,
đảm bảo sự tồn tại, phát triển của nhóm [3, 52].
– Khi phân chia các mức độ của nhu cầu, A. Maslow đã xem xét nhu cầu con
người theo hình thái phân cấp và sắp xếp chúng theo thứ tự tăng dần từ thấp đến
cao, bao gồm 5 loại nhu cầu đó là: Nhu cầu sinh lý, nhu cầu an toàn, nhu cầu được
giao lưu tình cảm và được lệ thuộc, nhu cầu được tôn trọng, nhu cầu được thể hiện
mình.
1.2.1.4. Các mức độ của nhu cầu
Mức độ nhu cầu là độ gay gắt đòi hỏi về một đối tượng nào đó thể hiện ở
việc chủ thể ý thức được trạng thái thiếu thốn của chủ thể, đối tượng và phương
thức thỏa mãn nó.
Nhu cầu có thể tồn tại ở nhiều mức độ khác nhau, mỗi tác giả lại có cách
phân chia mức độ nhu cầu khác nhau.
– Theo X.L. Rubinstein sự phát triển của nhu cầu trải qua ba mức độ: ý
hướng, ý muốn, ý định.
+ Ý hướng: là bước khởi đầu của nhu cầu. Ở mức độ này nhu cầu chưa được
phản ánh đầy đủ, rõ ràng vào trong ý thức của con người. Ở ý hướng, chủ thể mới ý
thức được trạng thái thiếu hụt của bản thân về một cái gì đó nhưng chưa ý thức

được nó là gì. Nói cách khác, lúc này chủ thể đang trải nghiệm sự thiếu hụt nhưng
chưa xác định được đối tượng gây ra sự thiếu hụt đó. Khi chủ thể đã ý thức được
đối tượng nhu cầu, nghĩa là sự trả lời được câu hỏi “thiếu hụt cái gì” thì nhu cầu
chuyển sang mức độ cao hơn đó là ý muốn.
+ Ý muốn: ở mức độ ý muốn chủ thể đã ý thức được đối tượng chứa đựng
khả năng thỏa mãn nhu cầu. Mục đích của hành động nhằm thỏa mãn nhu cầu,
nghĩa là lúc này chủ thể ý thức được đối tượng của nhu cầu và cả về mục đích động
cơ hoạt động nhằm thỏa mãn nhu cầu. Tuy nhiên chủ thể vẫn tiếp tục tìm kiếm cách
thức và các điều kiện để thỏa mãn nhu cầu. Ở mức độ này chủ thể xuất hiện những
23
trạng thái rung cảm khác nhau biểu hiện sự mong muốn. Niềm mơ ước ý muốn sẽ
kết thúc đầy đủ về cách thức và các phương tiện nhằm thỏa mãn nhu cầu ý định.
+ Ý định: là mức độ cao nhất của nhu cầu. Lúc này chủ thể đã ý thức đầy đủ
cả về đối tượng cũng như cách thức điều kiện nhằm thỏa mãn nhu cầu; xác định rõ
khuynh hướng của nhu cầu và sẵn sàng hành động. Ở mức độ ý định, nhu cầu đã có
hướng và đã được động cơ hóa, xuất hiện tâm thế sẵn sàng hành động. Lúc này nhu
cầu trở thành sức mạnh nội tại thúc đẩy mạnh mẽ chủ thể hoạt động nhằm thỏa mãn
nó. Đồng thời chủ thể cũng có khả năng hình dung về kết quả của hoạt động. Ở mức
độ cao nhất của nhu cầu, chủ thể không chỉ ý thức rõ về mục đích động cơ mà còn
cả về những phương thức để đạt tới mục đích đó.
– Căn cứ vào tính tích cực, nhu cầu biểu hiện ở ba mức độ: lòng ham muốn,
lòng say mê, đam mê.
– Ngoài ra nhu cầu còn được biểu hiện ở hai mức độ cao, thấp khác nhau:
+ Mức độ thấp: chủ thể nhận thức được đối tượng của nhu cầu nhưng nhu
cầu chưa đủ mạnh để thúc đẩy con người hoạt động.
+ Mức độ cao: nhu cầu đã đủ mạnh, trở thành nội lực thúc đẩy con người
hoạt động.
Trong khuôn khổ của đề tài, chúng tôi chọn cách phân loại mức độ của nhu
cầu gồm mức độ thấp và mức độ cao.
1.2.1.5. Sự hình thành nhu cầu

Quan điểm về sự hình thành nhu cầu có điểm khác nhau giữa các nhà TLH
phương Tây và các nhà TLH Macxit.
Các nhà TLH phương Tây cho rằng nhu cầu sinh vật sẽ quyết định nhu cầu
XH. Nhu cầu sinh vật là cơ bản và có nguồn gốc bẩm sinh, con người không thể ý
thức và can thiệp được bằng ý chí.
A.N. Leonchiev và các nhà TLH Macxit khẳng định mối quan hệ chặt chẽ
giữa nhu cầu và hoạt động: “Nhu cầu là nguồn gốc của tính tích cực của hoạt động,
nhưng bản thân nhu cầu lại được nảy sinh, hình thành và phát triển trong hoạt
động”.
24
A.N. Leonchiev đã đưa ra sơ đồ giải thích mối quan hệ giữa nhu cầu và hoạt
động: Hoạt động – Nhu cầu – Hoạt động. Ông giải thích như sau: “Thoạt đầu nhu
cầu chỉ xuất hiện như một điều kiện, một tiền đề cho hoạt động. Nhưng ngay khi
chủ thể bắt đầu hành động thì lập tức xảy ra sự biến hóa của nhu cầu và sẽ không
còn giống như khi nó tồn tại một cách tiềm tàng, tồn tại “tự nó” nữa. Sự phát triển
của hoạt động này đi xa bao nhiêu thì cái tiền đề này của hoạt động (tức là nhu cầu)
cũng chuyển hóa bấy nhiêu thành kết quả của hoạt động”. Ông cho rằng bởi vì bản
thân thế giới đối tượng đã hàm chứa tiềm tàng những nhu cầu, nên trong quá trình
chủ thể hoạt động tích cực, tất yếu sẽ nhận thức được những yêu cầu, đòi hỏi phải
được đáp ứng để tồn tại và phát triển, tức là xuất hiện nhu cầu mới. Thông qua hoạt
động lao động sản xuất, loài người một mặt thỏa mãn nhu cầu hiện tại, đồng thời lại
xuất hiện nhu cầu mới, vì thế con người không ngừng tích cực hoạt động lao động
sản xuất qua đó thúc đẩy XH phát triển.
Để hình thành nhu cầu về một đối tượng nào đó, chúng ta phải làm cho chủ
thể có cơ hội làm quen với đối tượng, thực hiện hoạt động với đối tượng, chính
trong quá trình trải nghiệm đó chủ thể sẽ có cơ hội và điều kiện để thấy được vai
trò, ý nghĩa của đối tượng đối với cuộc sống của bản thân, từ đó mà hình thành
mong muốn về đối tượng và nhu cầu sẽ dần dần xuất hiện.
1.2.1.6. Vai trò của nhu cầu
Nhu cầu có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động của con người. Con

người không thể tồn tại mà thiếu nhu cầu, trước hết là những nhu cầu vật chất tối
thiểu như ăn, mặc, ở. C. Mác viết: “ Người ta phải có khả năng sống đã rồi mới làm
ra lịch sử. Nhưng muốn sống được trước hết phải có thức ăn, thức uống, nhà ở,
quần áo”. Sự thỏa mãn nhu cầu là động lực thúc đẩy hoạt động của mỗi cá nhân và
tập thể. Nhu cầu quy định xu hướng lựa chọn ý nghĩ, tình cảm và ý chí của con
người. Mặt khác, nhu cầu quy định và tích cực hóa hoạt động của con người.
Nhu cầu chính là nguồn gốc, động lực thúc đẩy hoạt động và là một trong
những động cơ mạnh mẽ thúc đẩy chủ thể hoạt động nói chung và thực hiện các
hành vi ý chí nói riêng. Nhu cầu này được thỏa mãn, kích thích bị dập tắt, đồng thời
xuất hiện nhu cầu mới với những kích thích mới. Trong mỗi con người đều tồn tại
25
nhân cách của những em để trợ giúp và hướng cho những em tăng trưởng một cách đúngđắn, lành mạnh, hiểu về bản thân và người khác tốt hơn. Tuy nhiên, lúc bấy giờ ởnước ta quy mô TVTL trong trường học còn chưa được triển khai một cách phổbiến ; 1 số ít trường đại trà phổ thông ở những thành phố lớn như TP.HN, Thành phố Hồ ChíMinh ( Tp. HCM ) có lập những phòng tư vấn nhưng hoạt động giải trí chưa có hiệu suất cao cao. Riêng ở Thành phố TP. Đà Nẵng ( Tp. ĐN ), lúc bấy giờ chưa có trường đại trà phổ thông nào trênđịa bàn thành phố xây dựng phòng tham vấn cho HS ; tổ chức triển khai hoạt động giải trí TVTL choHS tại những trường đại trà phổ thông còn rất ít. Các em chưa được biết, chưa được tiếp cậnnhiều với những hình thức TVTL. Vì vậy việc tìm hiểu và khám phá nhu cầu TVTL của HS là rấtcần thiết, trên cơ sở đó nhìn nhận nhu cầu tham vấn của HS theo những mức độ khácnhau để từ đó xác lập phương hướng tổ chức triển khai những hoạt động giải trí tham vấn nhằm mục đích đápứng nhu cầu của những em. Từ lý luận và thực tiễn trên chúng tôi chọn đề tài : “ Nhu cầu tham vấn tâm lýcủa học sinh trường Trung học đại trà phổ thông Hoàng Hoa Thám – Thành phố Thành Phố Đà Nẵng ” để điều tra và nghiên cứu. 2. Mục đích nghiên cứu và điều tra – Tìm hiểu nhu cầu TVTL của HS trường trung học phổ thông ( trung học phổ thông ) Hoàng Hoa Thám – Tp. ĐN. – Đưa ra 1 số ít yêu cầu trong việc tổ chức triển khai tham vấn tâm lý cho học sinhtrung học đại trà phổ thông. 3. Đối tượng, khách thể, khoanh vùng phạm vi nghiên cứu3. 1. Đối tượng điều tra và nghiên cứu – Nhu cầu tham vấn tâm lý của học sinh trường trung học phổ thông Hoàng Hoa Thám – Thành phố Thành Phố Đà Nẵng. 3.2. Khách thể điều tra và nghiên cứu – Học sinh trường trung học phổ thông Hoàng Hoa Thám – Thành phố TP. Đà Nẵng. 3.3. Khách thể khảo sát – Khảo sát 300 học sinh trường trung học phổ thông Hoàng Hoa Thám – Thành phố ĐàNẵng. Trong đó có 100 học sinh lớp 10, 100 học sinh lớp 11 và 100 học sinh lớp 12.3.4. Phạm vi điều tra và nghiên cứu – Không gian : Trường trung học phổ thông Hoàng Hoa Thám. – Thời gian : Đề tài được thực thi trong khoảng chừng thời hạn từ tháng 12 / 2009 đến tháng 05 / 2010.4. Giả thuyết khoa học – Nhu cầu tham vấn tâm lý của HS trường trung học phổ thông Hoàng Hoa Thám – Tp. ĐNrất phong phú và đa dạng chủng loại. Có sự khác nhau nhưng không nhiều về mức độ và sựbiểu hiện nhu cầu tham vấn tâm lý giữa những nhóm khách thể. – Học sinh trường trung học phổ thông Hoàng Hoa Thám – Tp. ĐN phần đông chưa đượctiếp cận với những hình thức tham vấn tâm lý vì nhiều nguyên do khác nhau. 5. Nhiệm vụ nghiên cứu và điều tra – Nghiên cứu những yếu tố lý luận chung về nhu cầu tham vấn tâm lý. – Tìm hiểu tình hình nhu cầu tham vấn tâm lý của học sinh trường THPTHoàng Hoa Thám – Tp. ĐN. – Đưa ra 1 số ít đề xuất kiến nghị trong việc tổ chức triển khai TVTL cho học sinh THPT. 6. Phương pháp nghiên cứuTrong đề tài này, chúng tôi sử dụng những giải pháp nghiên cứu và điều tra sau : – Phương pháp điều tra và nghiên cứu lý luận. – Phương pháp điều tra và nghiên cứu thực tiễn : + Phương pháp tìm hiểu bằng phiếu hỏi. + Phương pháp trắc nghiệm. + Phương pháp phỏng vấn. + Phương pháp xử lý số liệu bằng thống kê toán học. B. PHẦN NỘI DUNGChương 1 : Cơ sở lý luận của yếu tố nghiên cứu1. 1. Sơ lược lịch sử vẻ vang nghiên cứu vấn đề1. 1.1. Sơ lược lịch sử dân tộc nghiên cứu và điều tra về tham vấn tâm lý1. 1.1.1. Các khu công trình điều tra và nghiên cứu về tham vấn trên thế giớiDựa vào lịch sử vẻ vang hiện có, ngành tham vấn ở những nước tăng trưởng là một ngànhtương đối trẻ. Trước những năm 1900, tham vấn đa phần là cho quan điểm, tập trungvào việc cung ứng những phúc lợi nhân đạo cơ bản cho những người kém may mắntrong thời kỳ cách mạng Công nghiệp ( Industrial Revolution ). Ban đầu nó đượcdành riêng cho người trẻ, tương quan đến những chương trình hướng nghiệp và nhữngbài học đạo đức cơ bản, như làm điều đúng, sống tốt, tránh điều sai, xa lánh điềuxấu. Tư vấn thời hạn đầu hầu hết là cung ứng thông tin và hướng dẫn giáo dục. Năm 1907, Jesse B. Davis là người tiên phong thiết lập một cơ sở hướng dẫn cóhệ thống ở tiểu bang Michigan, Hoa Kỳ. Frank Parson ( 1854 – 1908 ) là người đánhdấu cho sự sinh ra của chuyên ngành hướng dẫn tư vấn nghề nghiệp ở Mỹ, ông đượcxem như thể cha đẻ của ngành hướng dẫn tư vấn nghề nghiệp. F. Parson đã viết cuốnsách “ Cẩm nang hướng nghiệp ” nhằm mục đích trợ giúp những cá thể trong việc lựa chọnnghề nghiệp, tìm ra cách mở màn và thiết kế xây dựng một nghề nghiệp thành công xuất sắc và hiệuquả ; chính điều này đã tạo điều kiện kèm theo cho sự sinh ra và tăng trưởng rầm rộ của ngànhhướng dẫn tư vấn nghề. Một năm sau khi F. Parson qua đời ( 1909 ), cuốn sách “ Chọn nghề ” ( Choosing Vocation ) của ông đã được xuất bản, cuốn sách này trìnhbày chiêu thức liên kết những đặc thù tính cách của một cá thể với một nghềnghiệp, và nó được coi là sự góp sức lớn lao của F. Parson cho công tác làm việc hướngdẫn tư vấn nghề. Ngoài ra trong thuyết “ Nhân cách và yếu tố ” ( Trait and Factor ), F.Parson cho rằng : trải qua việc làm những trắc nghiệm tâm lý sẽ phát hiện ra nhữngđặc điểm nhân cách khác nhau của mỗi con người. Sau khi tìm ra những đặc điểmnhân cách của mỗi cá thể, nhà tham vấn giúp những cá thể đó tìm hiểu và khám phá và phânloại những việc làm đang có trong thị trường lao động. Người tăng trưởng quan điểmcủa F. Parson chính là E.G. Williamson ( 1900 – 1979 ). Theo những tác giả của trườngphái này, những đặc thù nhân cách của mỗi con người sẽ được đo đạc một cáchhết sức đúng chuẩn và việc lựa chọn nghề nghiệp sẽ triển khai một lần trong đời. Mỗingười sẽ có một việc làm trọn vẹn tương thích. Vì vậy, việc triển khai làm những trắcnghiệm được coi là một việc làm quan trọng nhất và cơ bản nhất. Thời điểm lýthuyết này thông dụng cũng chính là thời gian những giải pháp đo đạc và trắcnghiệm tâm lý được vận dụng thoáng rộng. Những trắc nghiệm về năng lực nhận thức, hứng thú, trí mưu trí ngàycàng được chuẩn hóa và hoàn thành xong, góp phần một cách tích cực cho tổng thể những loạihình thực hành thực tế tham vấn. Sự lan rộng ra phạm vi ảnh hưởng của ngành tâm lý trị liệucùng với nỗ lực đấu tranh cho những hình thức chữa trị nhân đạo so với bệnh nhântâm thần, những bệnh viện điều trị tinh thần được kiến thiết xây dựng khiến cho nhu cầu cầnngười trợ giúp được huấn luyện và đào tạo chuyên nghiệp cũng ngày càng tăng. Ban đầu, những nhânviên công tác làm việc xã hội, những nhà tâm lý trị liệu được huấn luyện và đào tạo về những kiến thức và kỹ năng thamvấn để hoàn toàn có thể phân phối nhu cầu này. Năm 1913, Hội nghị công tác làm việc hướng dẫn tư vấn nghề nghiệp lần đầu tiênđược tổ chức triển khai tại Boston. Kết quả của Hội nghị này ghi lại sự sinh ra của Hiệp hộitư vấn hướng nghiệp vương quốc Mỹ ( NVGA ), tổ chức triển khai nhiệm kỳ trước đó của Thương Hội thamvấn Mỹ ( ACA ) sau này. Đến năm 1930, E.G. Williamson đã đưa ra một lý thuyếttham vấn hoàn hảo, phân biệt rõ ràng với kim chỉ nan Phân tâm học đang thịnh hànhcủa Sigmund Freud. Lý thuyết này trở nên nổi tiếng như thể một sự chỉ huy cho hoạtđộng tham vấn. E.G. Williamson, sau hơn 40 năm thao tác tại trường đại họcMinnesota, đã tăng trưởng một thang đo có tên là thang nhìn nhận nghề nghiệp ( Minnesota Occupational Rsting Scales ) nhằm mục đích Giao hàng cho việc đo lường và thống kê. Tuynhiên, kim chỉ nan này lúc bấy giờ không còn được sử dụng thoáng rộng, một mặt vì sự ra đờicủa nhiều kim chỉ nan mang tính ứng dụng hơn, mặt khác, do bản thân của lý thuyếtnày còn có rất nhiều hạn chế. Những yếu tố như sở trường thích nghi, năng lượng, giá trị, nhữngđặc điểm tính cách của con người luôn có sự đổi khác khác nhau trong những giaiđoạn của cuộc sống, thế cho nên việc xác lập nghề nghiệp tại một thời gian nhất định màkhông tính đến những sự đổi khác là một điều hạn chế. Đến những năm 30 – 40 của thế kỉ XX, do hậu quả của chủ nghĩa phát xítnên nhiều nhà triết học, tâm thần học, tâm lý học nhân văn đã chuyển từ Châu Âusang Mỹ và ngay lập tức những tư tưởng của họ đã tác động ảnh hưởng đến tâm lý trị liệu vàgiáo dục ở vương quốc này. Carl Rogers ( 1902 – 1987 ) đã biến hóa việc làm thực hành thực tế tham vấn theohướng thân chủ – trọng tâm ( Client – Centered ), sử dụng giải pháp tiếp cận giántiếp khi thao tác với những cá thể : “ đặt trọng tâm nơi thân chủ ”. Phương pháp thamvấn thân chủ trọng tâm lúc đầu được gọi là liệu pháp thân chủ trọng tâm và sau đóđược gọi là giải pháp tham vấn tập trung chuyên sâu vào cá thể, hướng tiếp cận của CarlRogers không chỉ được coi là có ý nghĩa lớn lao trong việc làm trợ giúp thân chủmà còn được xem là cách sống của con người. Rogers tin rằng thực chất con ngườilà thiện với những khuynh hướng tiến đến tăng trưởng tiềm năng và XH hoá mà nếuđặt trong thiên nhiên và môi trường thuận tiện sẽ tăng trưởng nhận thức và hiện thực hoá tiềm năngđầy đủ. Rogers giả thiết rằng mỗi người đều chiếm hữu những tiềm năng cho sự lớnlên, tiềm năng cho những hành vi có hiệu suất cao và có khuynh hướng tự hiện thực hoánhững tiềm năng của mình. Sở dĩ một cá thể nào đó tăng trưởng những hành vi kémthích nghi là do sự tập nhiễm những mẫu ứng xử xô lệch. Bởi vì mỗi cá thể đềucó nhu cầu can đảm và mạnh mẽ được người khác đồng ý, coi trọng nên anh ta hoặc cô ta cóthể hành vi một cách không tự nhiên, không trong thực tiễn và tăng trưởng những cảm giácsai lệch về bản thân, về những điều mình mong ước. Mục đích của phương pháptham vấn tập trung chuyên sâu vào cá thể không phải là chữa trị cho thân chủ hoặc tìm kiếmnhững nguyên do từ quá khứ mà cái chính là khuyến khích thân chủ tự hiện thựchoá những tiềm năng của bản thân, tạo điều kiện kèm theo thuận tiện cho sự tăng trưởng tâm lýlành mạnh ở thân chủ. Thân chủ được xem như thể một chủ thể có hiểu biết, họ phảiđược hiểu, được gật đầu để nhà tham vấn hoàn toàn có thể cung ứng những mô hình giúpđỡ tốt hơn. C. Rogers đã phát biểu quan điểm của mình về mối tương giao giữa nhàtham vấn và thân chủ như sau : ” Mối tương giao tôi thấy có ích là mối tương giaođược định tính bằng một sự trong suốt về phần tôi trong đó cảm quan thực sự củatôi biểu lộ rõ ràng, bằng sự gật đầu người khác như một con người riêng không liên quan gì đến nhau, có giá trị riêng, và bằng một sự cảm thông sâu xa khiến tôi hoàn toàn có thể nhìn thế giớiriêng tư của người ấy qua con mắt của người ấy. Khi những điều kiện kèm theo trên được thựchiện thì tôi trở thành một người bạn sát cánh của thân chủ tôi, theo chân họ trongsự tìm kiếm chính mình mà giờ đây họ cảm thấy được tự do đảm nhiệm “. Đầu năm 1942, Rogers xuất bản tập sách “ Tham vấn và tâm lý trị liệu ” ( Counseling and Psychotherapy ), ghi lại những nét chính về chiêu thức của ôngđược hình thành sau 10 năm kinh nghiệm tay nghề thao tác trong công tác làm việc trị liệu cho cả trẻem và người lớn. Cuốn sách này có ảnh hưởng tác động lớn lao đến ngành, nghề tham vấn, nó lưu lại sự sinh ra của tham vấn văn minh. Từ những năm 50 của thế kỉ XX cho đến nay là thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽcủa ngành tham vấn. Sự sinh ra rầm rộ của những phương tiện đi lại tương hỗ để nhìn nhận kháchquan thực trạng hiện tại của thân chủ, đó là những trắc nghiệm tâm lý dùng để đánh giámức độ nhận thức, hứng thú, trí mưu trí, nhân cách. Chính việc cho sinh ra cáctrắc nghiệm khách quan đã giúp cho việc nhìn nhận của những nhà chuyên môn thêmchính xác, đồng thời nâng cao uy tín của hoạt động giải trí tham vấn. Những năm 50 của thế kỉ XX lưu lại sự tăng trưởng của rất nhiều học thuyếtkhác nhau trong nghành nghề dịch vụ tham vấn gắn liền với tên tuổi của những nhà tâm lí học ( TLH ) lớn trên quốc tế như : “ Các quy trình tiến độ tăng trưởng tâm lý và trí tuệ ” của JeanPiaget ( 1896 – 1980 ) ; “ Lý thuyết những quy trình tiến độ tăng trưởng tâm lý cá thể ” củaErickson ( 1902 – 1994 ) … những triết lý này đã cung ứng cho những nhà tham vấnnhững kỹ năng và kiến thức thiết yếu về những quy trình tiến độ tăng trưởng của tâm lý cá thể, từ đó làmnền tảng cho quy trình tương tác với đối tượng người dùng. Tham vấn tăng trưởng can đảm và mạnh mẽ vào những năm 60 của thế kỉ XX. Bên cạnhba hướng tiếp cận chính là tiếp cận Phân tâm học ( Freud ), tiếp cận trực tiếp ( Williamson ) và tiếp cận thân chủ trọng tâm ( Rogers ) thì thời kỳ này còn có sự rađời của vô số những cách tiếp cận mới như tiếp cận nhận thức của Albert Ellis ( 1961 ), tiếp cận hành vi của Bandura ( 1969 ) … Tất cả những hướng tiếp cận tham vấnnày đã giúp ích cho sự tăng trưởng tỏa nắng rực rỡ của ngành tham vấn trong quá trình đó. Đếnnhững năm 70 của thế kỉ XX, tham vấn liên tục tăng trưởng trong những nghành như : tham vấn sức khỏe thể chất tâm lý hội đồng, tham vấn học đường, tham vấn cho ngườikhuyết tật … Sự đào tạo và giảng dạy những nhà tham vấn cũng có quy mô hơn, chú trọng đến cáckỹ thuật như thấu cảm, lắng nghe, đặt câu hỏi, phản hồi … nhằm mục đích tăng trưởng mối quanhệ giữa nhà tham vấn và thân chủ một cách hiệu suất cao. Lúc này tham vấn đã trở thànhmột nghề có vị trí vững chãi trong XH.Từ những năm 80 của thế kỉ XX cho đến nay, ngành tham vấn liên tục đượcmở rộng và vững mạnh trong toàn bộ những nghành khác nhau của đời sống XH. Ngàynay tham vấn được xem là một trong những dịch vụ XH có vai trò quan trọng trongviệc nâng cao chất lượng đời sống niềm tin cho mỗi cá thể nói riêng và cho cảnhân loại nói chung. Ở những nước phương Tây, kể cả 1 số ít nước trong khu vực nhưSingapo, xứ sở của những nụ cười thân thiện, … trong mỗi khu dân cư với số lượng vài chục ngàn dân, ngườita thường sắp xếp một TT tham vấn ( Counseling Center ) hay văn phòng dịchvụ mái ấm gia đình ( Family Services ) để tiến hành những hoạt động giải trí trợ giúp XH. Ngoài ra cácmô hình tham vấn học đường ở một số ít nước trên quốc tế cũng khá thông dụng như : quy mô tham vấn nhà trường được tổ chức triển khai tại Mỹ với ba thành phần gồm đội chămsóc sức khỏe thể chất tinh thần, nhóm tăng trưởng chương trình và đội quản trị học sinh có vấnđề ; quy mô của Đất nước xinh đẹp Thái Lan được tổ chức triển khai dưới hình thức Hội sức khỏe thể chất tinh thần họcđường, gồm có những thành phần tham gia như bệnh viện, nhà trường, mái ấm gia đình ; … Ngành tham vấn ngày càng nhấn mạnh vấn đề tầm quan trọng của những nguyên tắcđạo đức và giảng dạy trình độ của nghề tham vấn. Năm 1995, Thương Hội tham vấnMỹ ACA ( American Couseling Association ) đã sửa đổi những tiêu chuẩn đạo đứcvà những tiêu chuẩn hành nghề tham vấn nhằm mục đích làm tăng hiệu suất cao mối quan hệ trợgiúp giữa nhà tham vấn và thân chủ, mối quan hệ dựa trên sự thấu cảm, gật đầu, chăm sóc của nhà tham vấn so với từng thân chủ có những đặc trưng về lứa tuổi, giới tính, kinh nghiệm tay nghề, trình độ văn hóa truyền thống khác nhau. 1.1.1. 2. Các khu công trình điều tra và nghiên cứu về tham vấn ở Việt NamỞ Nước Ta lúc bấy giờ chưa có một thông tin đơn cử nào về điểm khởi đầuhoạt động chính thức của ngành tham vấn. Lịch sử tăng trưởng ngành tham vấn ở ViệtNam chưa có một tài liệu nào công bố rõ ràng về từng bước, từng tiến trình [ 25,17 ]. Vào những năm cuối của thập kỉ 90, tất cả chúng ta ngày càng làm quen với những dịchvụ TVTL. Trước tiên không hề phủ nhận vai trò của những bác sĩ, nhất là những bác sĩtâm thần và bác sĩ nhi khoa trong việc tăng trưởng những liệu pháp tâm lý, áp dụngtrong việc chữa trị những bệnh nhân rối nhiễu và rối loạn hành vi, nhân cách, cũng nhưtrong việc chữa trị và thao tác với những bệnh nhân trẻ nhỏ, đặc biệt quan trọng là những trẻ sơ sinh. Tên tuổi của cố bác sĩ Nguyễn Khắc Viện cùng những tập sự của ông ở Trung tâmnghiên cứu tâm lý trẻ nhỏ ( NT ) phải được ghi nhận cùng với những cố gắng nỗ lực pháttriển TLH lâm sàng và tư vấn tâm lý trẻ nhỏ. Các bác sĩ tâm thần học cũng đóng một vai trò lớn trong việc phát triểnnhững liệu pháp tâm lý ở Nước Ta, làm cơ sở cho TVTL như : Liệu pháp TLH hànhvi, liệu pháp TLH nhận thức, những liệu pháp mái ấm gia đình, game show … Từ giữa những năm90, với sự trợ giúp về kinh phí đầu tư khoa học của nhà nước và những tổ chức triển khai khác trongnước cũng như quốc tế, những nhà TLH Việt Nam đã tiếp cận được với những tổ chứcTLH những nước trên quốc tế như : Mỹ, Úc, Canada, Pháp, …, trong số đó có rất nhiềucác nhà TLH thực hành thực tế thuộc những phe phái khác nhau : Phân tâm học, TLH hànhvi … Những cuộc đối thoại về trình độ, nghề nghiệp, khuynh hướng phát triểnkhoa học tâm lý đã củng cố thêm những điều kiện kèm theo thiết yếu cho sự hình thành mộtphân ngành khoa học mới ở Nước Ta với khái niệm TLH tham vấn và trị liệu TLH.Hiện nay ở nước ta cũng đã khởi đầu có một số ít sách về TVTL đã được xuấtbản như : “ Tư vấn tâm lý cơ bản ” của Th.S Nguyễn Thơ Sinh ( Nhà xuất bản LaoĐộng, 2006 ), “ Tư vấn tâm lý học đường ” do Kiến Văn – Lý Chủ Hưng biên soạn ( Nhà xuất bản phụ nữ, 2007 ) … Và cũng có nhiều quan điểm khác nhau về TVTLđược in trên những sách, tạp chí như : – Th.S Bùi Thị Xuân Mai, trường Cao đẳng Lao động – Xã hội, “ Tham vấn – một dịch vụ XH cần được tăng trưởng ở Nước Ta ” đăng trên tạp chí TLH, số 2/2005, đa phần bàn về những cách hiểu khác nhau của khái niệm tham vấn và nhữngyếu tố cơ bản của tham vấn, qua đó cho thấy được sự thiết yếu của việc phát triểnngành tham vấn ở Nước Ta. – PTS. Nguyễn Thị Phương Hoa, Viện Tâm lý học, “ Về tâm lý học tư vấn ”, tạp chí TLH số 2 / 1999, trình diễn khái niệm, đối tượng người tiêu dùng của TLH tư vấn cũng như sựra đời của TLH tư vấn ở Nước Ta và triển vọng tăng trưởng TLH tư vấn ở nước tatrong những năm sắp tới. – PGS.TS. Trần Thị Minh Đức, Khoa Tâm lý học – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, “ Thực trạng tham vấn ở Nước Ta : từ kim chỉ nan đến trong thực tiễn ”, tạp chíTLH số 2 / 2003, nhằm mục đích nhìn nhận hoạt động giải trí tham vấn và vai trò của những nhà thamvấn trong quá trình lúc bấy giờ …. Ngoài ra trong những năm gần đây ngày càng có nhiều TT, dịch vụ hỗtrợ, trợ giúp tâm lý tại những thành phố lớn như TP.HN, Tp. HCM được xây dựng đãgóp phần không nhỏ vào việc tăng trưởng nghề tham vấn thực hành thực tế. Có thể kể ra mộtsố TT như : Trung tâm tư vấn Liên Thu ( 392 Khương Đình, TX Thanh Xuân, HàNội ), TT TVTL Hoàng Nhân – Thành Phố Hà Nội ( tổng đài 19008998 – 1900571506 ), tư vấn tâm lý Share ( số 16, ngõ 371 / 9, Đê La Thành, phường Ô chợ Dừa, quậnĐống Đa, TP. Hà Nội ), TT huấn luyện và đào tạo và ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt ( 55H oa Sứ, phường 7, Q. Phú Nhuận, Tp. HCM ) … Từ khoảng chừng năm 2000, nhiều trường học tại Tp. HCM như trường Khánh HộiA – Q. 4 ; Nguyễn Gia Thiều – Q. Tân Bình ; Diên Hồng – Q. 10 ; TrươngCông Định, Phú Mỹ – Q. Quận Bình Thạnh ; Mạc Đĩnh Chi – Q. 6 và rất nhiềutrường khác nữa đã dữ thế chủ động phối hợp với những nhân viên tâm lý và những tổ chứctrong và ngoài nước để tiến hành những chương trình tham vấn học đường cho HS.Năm 2003, hội thảo chiến lược “ Nhu cầu tư vấn học đường tại Tp. HCM ” được ViệnNghiên cứu Giáo dục đào tạo, trường Đại học Sư phạm Tp. HCM tổ chức triển khai với sự tham giacủa nhiều nhà tâm lý, giáo dục và hiệu trưởng những trường có hoạt động giải trí tham vấnhọc đường để “ phẫu thuật ” và lôi kéo sự chăm sóc của giới trình độ cũng như cáccơ quan cơ quan chính phủ trong việc thiết kế xây dựng những kế hoạch nhằm mục đích tăng trưởng hoạt độngtham vấn học đường tại Nước Ta. Cũng trong thời hạn này, một vài sinh viên khoaTâm lý – Giáo dục đào tạo trường Đại học Sư phạm Tp. HCM đã chọn đề tài cho luận văntốt nghiệp của mình về yếu tố tham vấn học đường. Những “ sự kiện ” này được xemlà những bước khởi đầu cho nhiều sự đổi khác tiếp theo của ngành tham vấn họcđường tại Nước Ta. Năm 2004, Trung tâm tương hỗ tư vấn tâm lý ( CACP ) thuộc trường Đại họcKhoa học xã hội và Nhân văn TP. Hà Nội được xây dựng và cũng đề cập đến hoạt độngnghiên cứu và tương hỗ hoạt động giải trí tham vấn học đường. Năm 2005, với sự đồng ý chấp thuận của Ủy ban Dân số – Gia đình – Trẻ em Tp. HCM và sự tương hỗ của UNICEF, văn phòng tư vấn trẻ nhỏ Tp. HCM đã tổ chức triển khai hội10thảo “ Kinh nghiệm trong bước đầu triển khai quy mô tham vấn trong trường học ”, cũngnhận được sự chăm sóc và san sẻ kinh nghiệm tay nghề trong thực tiễn của nhiều chuyên viên vànhững nhà chỉ huy những trường học. Ngày 18 tháng 02 năm 2006, Hội thảo khoahọc vương quốc “ Tư vấn tâm lý – giáo dục lý luận, thực tiễn và khuynh hướng tăng trưởng ” đã được tổ chức triển khai tại Tp. HCM. Trong hội thảo chiến lược cũng đã đề cập đến yếu tố tham vấnhọc đường như thể một điều “ khẩn thiết ” nhằm mục đích tương hỗ HS và nhà trường trong hoạtđộng giáo dục. Sở Giáo dục – Đào tạo Tp. HCM cũng tổ chức triển khai những buổi sinh hoạtđề cập đến hoạt động giải trí tư vấn học đường trong thời hạn này với sự tham gia của cácnhà tâm lý, giáo dục, nhà trường và cha mẹ HS. Ngoài ra, phân mục tham vấnhọc đường do báo Phụ nữ Tp. HCM khởi xướng ( ThS. Nguyễn Thị Oanh đảm nhiệm ) cũng nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của phần đông HS, cha mẹ và cáctrường học. Tháng 06 năm 2006, cuốn sách “ Tư vấn tâm lý học đường ” của tác giảNguyễn Thị Oanh đã được nhà xuất bản Trẻ phát hành trên toàn nước. Đến nay, yếu tố tham vấn học đường tại Nước Ta đã trở thành một đề tàinóng bỏng và nhận được nhiều sự ủng hộ từ những em HS, cha mẹ, nhà trường, cácnhà tâm lý – giáo dục và những tổ chức triển khai thuộc chính phủ nước nhà cũng như những tổ chức triển khai phichính phủ. Tuy nhiên, diện mạo của một ngành nghề chuyên nghiệp vẫn chưa thậtsự được định hình. 1.1.2. Sơ lược lịch sử vẻ vang điều tra và nghiên cứu về nhu cầu1. 1.2.1. Các khu công trình điều tra và nghiên cứu về nhu cầu trên thế giớiĐầu tiên phải kể đến chủ nghĩa hành vi do nhà TLH Mỹ J. Watson ( 1878 – 1958 ) sáng lập. Bài báo với tên gọi “ TLH từ góc nhìn của nhà TLH hành vi ” vàonăm 1913 được coi là sự công khai minh bạch công bố khai sinh dòng TLH này. Theo ông, TLH không diễn đạt, giảng giải những trạng thái ý thức mà chỉ điều tra và nghiên cứu hành vi cơthể. Hành vi của con người được hiểu là tổng thể những cử chỉ và lời nói đã hình thànhtrong đời sống hay bẩm sinh và là những gì con người đã làm từ lúc sinh ra chođến chết. Hành vi là toàn bộ những phản ứng ( R ) và sự phân phối những kích thích bên ngoài ( S ), gián tiếp qua đó thành viên được thích nghi [ 17, 170 ]. Theo TLH hành vi, mọi yếu tố tâm lý như ý thức, tư tưởng, tình cảm, nhucầu, động cơ … đều là những khái niệm mơ hồ, không ai thấy được, đo được. Vì thế11chúng đều là phi vật chất và không hề quyết định hành động được một hiện tượng kỳ lạ vật chất. Nhưng mặt khác, ngay từ thế kỉ 19, những tác giả như Ethorndike, NE. Miller đã cónhững thí nghiệm điều tra và nghiên cứu về nhu cầu ở động vật hoang dã và khẳng định chắc chắn : những kiểu hànhvi của con vật được thôi thúc bởi nhu cầu, nhu cầu hoàn toàn có thể quyết định hành động hành vi. Saunày, những đại biểu TLH hành vi mới đưa vào công thức S – R một biến số trung gian : đó là nhu cầu, trạng thái chờ đón, kinh nghiệm tay nghề sống, … Các tác giả này giải thíchrằng biến số trung gian có tính năng kiểm soát và điều chỉnh cung ứng tương thích với những kích thíchvào khung hình. Các nhà hành vi không coi nhu cầu là thuộc về tâm lý, nhưng trên thựctế, nghiên cứu và điều tra của họ cho thấy những thực nghiệm đã chỉ ra rằng những nhà TLH hành vinghiên cứu khá rõ và kỹ lưỡng về nhu cầu, đặc biệt quan trọng là những nhu cầu sinh lý. Điểmhạn chế của họ là ý niệm như nhau nhu cầu của con người và nhu cầu ở con vật. Thiếu sót này do những thực nghiệm mà những nhà hành vi dựa vào để đi đến kết luậnthường là thực nghiệm trên động vật hoang dã. Clark Hull ( 1952 ), một triết lý gia tại Đại học tổng hợp Yale với thuyếtxung năng theo hướng tiếp cận sinh học cho rằng : nhu cầu sinh lý chi phối đời sốngcon người, thôi thúc hoạt động giải trí của con người. Ông không phủ định sự xuất hiện củanhững nhu cầu, động cơ khác nhưng theo ông, chúng tích hợp và bị chi phối bởi nhucầu sức khỏe thể chất. Về thực chất, thuyết xung năng đã sinh vật hóa nhu cầu của con người, xem nhu cầu như thể xung năng mang tính sinh vật, phát sinh từ sự thiếu vắng thức ăn, nước uống, không khí … qua đó phủ nhận tính XH, thực chất XH của nhu cầu, quygán nhu cầu nội tâm và nhu cầu XH đều do yếu tố sinh vật tạo ra. Một trong những học thuyết về tâm lý có tầm ảnh hưởng tác động sâu rộng trongnhiều nghành nghề dịch vụ đời sống và có giá trị thực tiễn cho đến ngày thời điểm ngày hôm nay là thuyếtPhân tâm học. Nó gắn liền với tên tuổi của thiên tài Sigmund Freud ( 1856 – 1939 ) và đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Trong quy trình điều tra và nghiên cứu của mình, ông cũng đã đề cập đến yếu tố nhu cầu của khung hình trong “ Lý thuyết bản năng củacon người ”. Ông khẳng định chắc chắn, Phân tâm học coi trọng nhu cầu tự do cá thể như cácnhu cầu tự nhiên, đặc biệt quan trọng là nhu cầu tình dục. S. Freud cho rằng, hàng loạt sức mạnhtác động ở phía sau những nhu cầu cấp bách của của cái ấy và biểu lộ những nhucầu thuộc loại thể chất trong tinh thần là xung lực. Theo ông, những xung lực này12có thực chất sinh học và rất phong phú. Nói cách khác, xung lực bắt nguồn từ nhữngnhu cầu khung hình. Trong tổng thể xung lực vốn có của cá thể, chỉ có hai xung lực cơbản : tính dục ( Eros ) và hủy hoại ( Thanatos ). Khi nghiên cứu và phân tích những xung lực Eros, ôngcho rằng Eros mạnh hơn Thanatos ; từ đó Freud đi đến chứng minh và khẳng định, nó không phải làthứ nhu cầu tính dục nói chung, mà đó là xung lực khát dục ( Libido ), tức là nhữngkhoái lạc tính dục của cá thể. Theo cách hiểu của S.Freud, Libido giống như sựđói ăn nói chung. Con người đói, tức là nhu cầu tiêu thụ thức ăn cần phải được thỏamãn, cũng vậy, con người khát dục khi có nhu cầu nhục dục cần được thỏa mãn nhu cầu. Xung lực Libido chính là sự tạo ra khoái lạc nhục dục do nhu cầu tính dục đượcthỏa mãn [ 20, 259 ]. Việc thỏa mãn nhu cầu nhu cầu tình dục sẽ giải phóng nguồn năng lượng tựnhiên, và như vậy, tự do cá thể thực sự được tôn trọng, ngưng trệ nhu cầu này sẽdẫn đến hành vi mất khuynh hướng của con người. Một trong những nhà TLH nổi tiếng lúc bấy giờ theo xu thế Freud mới làErich Fromm ( 1901 ). E. Fromm cho rằng chính sách tự nhiên và XH trong con người làvô thức, đó là cái không bình thường, hạt nhân của nhân cách. Nó bộc lộ sự mong ước vươntới cái hài hòa tổng lực của con người. Ông cho rằng nhu cầu tạo ra cái tự nhiêntrong con người. Những nhu cầu đó là : 1. Nhu cầu quan hệ giữa người và người ; 2. Nhu cầu sống sót “ cái tâm ” con người ; 3. Nhu cầu về sự bền vững và kiên cố và hài hòa ; 4. Nhucầu giống hệt bản thân và xã hội với dân tộc bản địa, với giai cấp, với tôn giáo ; 5. Nhu cầunhận thức, nghiên cứu và điều tra. Những nhu cầu này là thành phần tạo nên nhân cách [ 2, 70 ]. TLH nhân văn sinh ra như thể một khuynh hướng trái chiều với TLH hành vi vàPhân tâm học. Trường phái TLH nhân văn là sự tổng hợp nhiều khuynh hướng mớivà nhiều phe phái tư tưởng khác nhau với những đại diện thay mặt tiêu biểu vượt trội như : A. Maslow, C. Rogers, G. Allport trong đó “ Thuyết thứ bậc nhu cầu ” của A. Maslow ( 1908 – 1970 ) có tầm ảnh hưởng tác động rất lớn trong nhiều nghành khác nhau, gồm có cả lĩnhvực giáo dục. Trong kim chỉ nan này, ông sắp xếp những nhu cầu của con người theo mộthệ thống trật tự thứ bậc, trong đó, những nhu cầu ở mức độ cao hơn muốn Open thìcác nhu cầu ở mức độ thấp hơn phải được thỏa mãn nhu cầu. Ông đã đưa ra 5 nấc thang nhucầu có nội dung bao hàm, được xếp theo thứ tự từ nhu cầu vật chất cơ bản cần thiếtđến nhu cầu ý thức nâng cao như sau : 13 – Nhu cầu sinh lý ( Hysiological needs ). – Nhu cầu về bảo đảm an toàn ( Safety needs ). – Nhu cầu được giao lưu tình cảm và được phụ thuộc ( Love and Belongingness ). – Nhu cầu về được tôn trọng ( Esteem needs ). – Nhu cầu được bộc lộ mình ( Self – actualizing needs ). Các loại nhu cầu này được chia làm nhu cầu cấp thấp và nhu cầu cấp cao : – Nhu cầu cấp cao : + Nhu cầu được giao lưu tình cảm và được chịu ràng buộc + Nhu cầu được tôn trọng + Nhu cầu được bộc lộ mình – Nhu cầu cấp thấp : + Nhu cầu bảo đảm an toàn + Nhu cầu sinh lýBốn mức nhu cầu tiên phong ông gọi đó là nhóm nhu cầu thiếu vắng. Còn ở mứcthứ năm, ông chia thành những nhu cầu nhỏ hơn : nhu cầu thẩm mỹ và nghệ thuật, nhu cầu sáng tạovà nhu cầu hiểu biết, ông gọi là nhóm những nhu cầu tăng trưởng. Sự phân loại này tùytheo thang bậc nhưng nó không phải là cố định và thắt chặt mà chúng linh động, biến hóa tùytheo điều kiện kèm theo đơn cử. Ông cho rằng nhu cầu sinh lý là mạnh nhất, còn nhu cầu đượcthể hiện mình là nhu cầu yếu nhất. Nhu cầu được giao lưu tình cảm và được lệthuộc là nhu cầu vừa cấp thấp vừa cấp cao. Các nhu cầu cấp thấp thường được ưutiên quan tâm trước so với những nhu cầu bậc cao. Những nhu cầu này Open theo thứ tự trong quy trình tăng trưởng chủng loại, cũng như tăng trưởng của cá thể. Đồng thời đây cũng là thứ tự thỏa mãn nhu cầu những nhu cầuđó. Nếu nhu cầu cấp thấp không được thỏa mãn nhu cầu thì nhu cầu cấp cao cũng không thểthực hiện được. Con người sống trong điều kiện kèm theo nghèo nàn thì chỉ quan tâm đến điềukiện thỏa mãn nhu cầu nhu cầu sinh lý và bảo đảm an toàn. Sống trong điều kiện kèm theo phong phú khi nhu cầucấp thấp không còn đáng lo ngại nữa thì người ta chú ý quan tâm đến nhu cầu cấp cao. Nhucầu được bộc lộ mình là nhu cầu cao nhất nhằm mục đích tăng trưởng tiềm năng của cá thể. Nhu cầu này khác nhau ở mỗi người vì mỗi người đều có tiềm năng riêng khácnhau. Có người có nhu cầu tự bộc lộ trên nghành nghề dịch vụ văn chương, người khác thì có14nhu cầu chỉ huy … Những nhu cầu này không bị sự trấn áp của XH, nhưngkhông phải ai cũng triển khai được nhu cầu này chính bới còn những nhu cầu khác chưathực hiện được [ 2, 79 ]. Maslow đã chứng tỏ rằng, tính XH nằm trong chính bản tính của conngười. Con người có những nhu cầu chân chính về tiếp xúc, tình yêu, lòng kínhtrọng … Đó là những nhu cầu đặc trưng cho giống người. Tính người của những nhucầu được hình thành trong quy trình phát sinh loài người. Mọi nhu cầu trong hệthống nhu cầu đều có tương quan với cấu trúc khung hình của con người và đều dựa trênmột nền tảng di truyền nhất định [ 22, 89 ]. Sau Cách mạng tháng Mười, nền TLH ở Liên Xô đã có bước tăng trưởng mạnhmẽ, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm cơ sở phương pháp luận của TLH. Các nhàTLH Liên Xô khi điều tra và nghiên cứu về con người, đời sống tâm lý người đã chứng minh và khẳng định : nhu cầu là yếu tố bên trong quan trọng tiên phong thôi thúc hoạt động giải trí của con người. Ngay trong triết học, F. Ănghen – tuy không phải là một nhà tâm lý học, nhưng khi nói về quan điểm của mình về nhu cầu ông chứng minh và khẳng định : “ Người ta quycho trí óc, cho sự mở mang và hoạt động giải trí của bộ óc tổng thể công lao làm cho xã hộiphát triển được nhanh gọn, và đáng lẽ người ta phải lý giải rằng hoạt động giải trí củamình là do nhu cầu của mình quyết định hành động ( mà những nhu cầu đó quả thật đã phảnánh vào trong đầu óc con người, làm cho họ có ý thức so với những nhu cầu đó ) thìngười ta lại quen lý giải rằng hoạt động giải trí của mình là do tư duy của mình quyếtđịnh ”. ( F. Ănghen – Phép biện chứng của tự nhiên, Nhà xuất bản Sự thật, trang280 ). D.N. Uzantze đã quan tâm tới khái niệm nhu cầu và ý nghĩa của nó so với hoạtđộng của khung hình ngoài nhu cầu của con người. Nhu cầu là nguồn gốc của tính tíchcực, không có nhu cầu thì không có tính tích cực. Như vậy quan điểm của ông vềkhái niệm nhu cầu rất rộng, nó tương quan tới toàn bộ những gì thiết yếu so với cơ thểsống. Hơn nữa, theo ông nhu cầu con người ở mức tăng trưởng như lúc bấy giờ đã tậphợp được nhiều nhu cầu cho bản thân. Trong trường hợp nhu cầu đang trên đườngthỏa mãn mà gặp khó khăn vất vả trở ngại, tức là nó không được triển khai một cách trựctiếp, nhu cầu sẽ Open trong ý thức của chủ thể và có nội dung đặc biệt quan trọng. Từ phía15chủ thể nó được thể nghiệm ở dạng xúc cảm không được thỏa mãn nhu cầu, lúc này conngười ở trạng thái hưng phấn và căng thẳng mệt mỏi, còn ở phía khách thể ở dạng nội dungđối tượng đã được xác lập và nó đang kích thích hành vi. Khi Open nhu cầuvới cường độ lớn, con người mở màn hoạt động giải trí để thỏa mãn nhu cầu. Trong những khu công trình điều tra và nghiên cứu của mình, X.L. Rubinstein đã bàn về nhiềuvấn đề khác nhau trong đó có khái niệm nhu cầu. Dựa trên quan điểm triết học Mác – Lênin, ông đã tạo ra một mạng lưới hệ thống tri thức nhiều mẫu mã trong đó có kim chỉ nan về nhucầu. Theo ông, con người có nhu cầu sinh vật nhưng thực chất con người là sảnphẩm của XH loài người, thế cho nên cần xem xét đồng thời những yếu tố cơ bản của conngười với nhân cách. Chính vì thế, ông đã nhấn mạnh vấn đề mối quan hệ lẫn nhau củacon người với tự nhiên, đó là mối quan hệ nhu cầu, nghĩa là sự thiết yếu của conngười về một cái gì đó nằm ngoài khung hình con người. X.L. Rubinstein cho rằng TLHkhông nên xuất phát từ nhu cầu mà phải tiến dần và mày mò ra nhiều biểu lộ đadạng của nó. Ông chính là người tiên phong mày mò ra quy trình phát sinh nhu cầu. Trong nhu cầu con người Open sự link con người với quốc tế xung quanh vàxuất hiện sự phụ thuộc vào của cá thể so với quốc tế. A.N. Leonchiev ( 1903 – 1979 ) cho rằng nhu cầu có nguồn gốc trong hoạt độngthực tiễn. Theo ông, nhu cầu thực sự khi nào cũng có tính đối tượng người tiêu dùng. Trong mốiquan hệ giữa đối tượng người dùng thỏa mãn nhu cầu nhu cầu và nhu cầu, ông cho rằng đối tượng người dùng tồntại một cách khách quan và không Open khi chủ thể mới chỉ có cảm xúc thiếuhụt hay yên cầu. Chỉ khi chủ thể thực sự hoạt động giải trí thì đối tượng người dùng thỏa mãn nhu cầu nhu cầumới Open và lộ diện ra. Nhờ có sự mở ra ấy mà nhu cầu mới có tính đối tượng người tiêu dùng. Với đặc thù là một cá thể, chủ thể sinh ra đã có nhu cầu nhưng với tính chấtlà sức mạnh nội tại thì nhu cầu được triển khai trong hoạt động giải trí. Nói cách khác, lúcđầu nhu cầu chỉ Open như thể một điều kiện kèm theo, một tiền đề cho hoạt động giải trí, thì lậptức xảy ra sự biến hóa của nhu cầu, không còn là nhu cầu trước nữa. Sự biến đổi nộidung đơn cử của đối tượng người dùng nhu cầu cũng kéo theo sự biến hóa những phương pháp đểthỏa mãn những nhu cầu [ 2, 131 ]. Ông phê phán việc tách nhu cầu ra khỏi hoạt động giải trí vìnhư vậy sẽ coi nhu cầu là điểm xuất phát của hoạt động giải trí. Mối liên hệ giữa hoạt độngvới nhu cầu được ông diễn đạt bằng sơ đồ : Hoạt động – Nhu cầu – Hoạt động. Theo16A. N. Leonchiev, đời sống là mạng lưới hệ thống những hoạt động giải trí thay thế sửa chữa nhau. Mặt khác nếunhìn nhận khởi thủy nhu cầu làm phát sinh hoạt động giải trí thì sẽ không lý giải đượcnguồn gốc của nhu cầu. Bởi vì nhu cầu của con người về cơ bản có nguồn gốc từthế giới khách quan, nó phát sinh trải qua hoạt động giải trí của mỗi người. Tất nhiên đếnlượt mình, nhu cầu lại phát huy tính tích cực trong hoạt động giải trí thỏa mãn nhu cầu nhu cầu. Luận điểm này cung ứng được ý niệm mác xít về nhu cầu, cho rằng nhu cầu conngười cũng được sản xuất ra. Đó là vấn đề có ý nghĩa so với TLH.A.N. Dernhitrenko và N.V. Gontrancov khi điều tra và nghiên cứu về nhu cầu cho rằngnhu cầu là cốt lõi của nhân cách. Hai ông đã nghiên cứu và điều tra yếu tố nguồn năng lượngcủa nhu cầu và nhấn mạnh vấn đề rằng năng lực thỏa mãn nhu cầu nhu cầu của chủ thể phụ thuộcvào sự sẵn sàng chuẩn bị hành vi của cá thể. Cụ thể nó được biểu lộ ở dạng chủ thể đãđược trang bị thông tin rất đầy đủ ở mức độ nhất định về năng lực thỏa mãn nhu cầu nhu cầu. Thông tin này chỉ rõ mối quan hệ giữa những thông tin với trạng thái của cá thể, từ đó nó xác lập ( tâm thế xác lập ). Tâm thế này sẽ làm giảm tính không xác địnhcủa thực trạng, hiệu quả làm tăng nguồn năng lượng của nhu cầu. Nguồn nguồn năng lượng củanhu cầu không riêng gì phụ thuộc vào vào mức độ đạt được đối tượng người dùng của nhu cầu mà cònphụ thuộc vào sự thỏa mãn nhu cầu. Lúc này nguồn năng lượng nhu cầu mở màn pháp luật phản ứngcủa cảm hứng trải qua hiệu quả hoạt động giải trí hướng tới việc thỏa mãn nhu cầu nhu cầu. Nếunhư thực trạng sau cuối không thuận tiện cho việc thỏa mãn nhu cầu nhu cầu, năng lượngcủa nhu cầu giảm xuống do ảnh hưởng tác động của thực trạng không xác lập đang vững mạnh. Nhưng theo P.V. Ximonov, nếu nhu cầu cấp bách Open mà thiếu vắng thông tin sẽdẫn đến xúc cảm âm tính. Điều này làm tăng trưởng nguồn năng lượng của nhu cầu, mặc dùkết quả hành vi không thuận tiện. Trong trường hợp ngược lại, cảm hứng dương tínhlàm tập hợp hành vi. Như vậy, sự biến hóa tập hợp xúc cảm của nguồn năng lượng nhucầu được lao lý bởi thông tin về năng lực thỏa mãn nhu cầu nhu cầu và phụ thuộc vào vàomức độ ý nghĩa của nhu cầu. Sau khi phân tích sự chuyển tải nguồn năng lượng của nhucầu P.V. Ximonov đã có lý khi Tóm lại rằng đặc thù của nhân cách phụ thuộc vào vàosự trang bị thông tin, những công cụ, phương tiện đi lại và phương pháp thỏa mãn nhu cầu nhu cầu [ 3,18 ]. 171.1.2.2. Các khu công trình điều tra và nghiên cứu về nhu cầu ở Nước Ta – Đỗ Ngọc Khanh, “ Nhu cầu hoạt động giải trí tham vấn ở những trường giáo dưỡng ”, Viện Tâm lý học, 2008. – Vũ Kim Thanh, “ Tư vấn tâm lý – một nhu cầu xã hội cần được phân phối ”, Khoa Tâm lý – Giáo dục học, Đại học Sư phạm TP. Hà Nội, 2001. – Dương Thị Diệu Hoa – Vũ Khánh Linh – Trần Văn Thức, “ Khó khăn tâmlý và nhu cầu tham vấn của học sinh trung học phổ thông ”, trường Đại học Sư phạm Thành Phố Hà Nội, 2007. – Nhu cầu tham vấn tâm lý của học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, nghiêncứu của khoa Tâm lý – Giáo dục đào tạo, Đại học Sư phạm TP.HN, 2005. – Phạm Thị Thúy Hạnh, “ Nhu cầu tham vấn tâm lý của học sinh trung họccơ sở ”, Luận văn Thạc sĩ Tâm lý học, 2007. – Triệu Thị Hương, “ Nhu cầu tham vấn tâm lý của sinh viên Học viện Cảnhsát nhân dân ”, Luận văn Thạc sĩ Tâm lý học, 2006. – Nguyễn Thị Thu Hòa, “ Nhu cầu tham vấn tâm lý của học sinh THPT Thànhphố Điện Biên ”, Luận văn Thạc sĩ Tâm lý học, 2005. – Võ Thị Ngọc Châu, “ Nghiên cứu nhu cầu thành đạt và quan hệ của nó vớitính tích cực nhận thức của sinh viên ”, Luận văn Thạc sĩ Tâm lý học, 1999. – Hoàng Thị Thu Hà, “ Nhu cầu học tập của sinh viên Đại học Sư phạm HàNội ”, Luận văn Tiến sĩ Tâm lý học, 2003. – Đàm Thị Quế Anh, Khóa luận tốt nghiệp “ Nhu cầu tham vấn tâm lý củasinh viên trường Đại học Sư Phạm – Đại học Thành Phố Đà Nẵng ”, 2009.1.2. Cơ sở lý luận của vấn đề1. 2.1. Lý luận về nhu cầu1. 2.1.1. Khái niệm nhu cầuVấn đề nhu cầu đã được nhiều nhà TLH nghiên cứu và điều tra, và cho đến nay cũng córất nhiều định nghĩa khác nhau về nhu cầu. Theo Từ điển TLH của Nguyễn Khắc Viện thì nhu cầu là “ Điều thiết yếu đểbảo đảm sống sót và tăng trưởng. Được thỏa mãn nhu cầu thì dễ chịu và thoải mái, thiếu vắng thì không dễ chịu, căng thẳng mệt mỏi, ấm ức. Có nhu cầu của cá thể, có nhu cầu chung của tập thể, khi hòa18hợp khi xích míc ; có nhu cầu cơ bản, thiết yếu, có thứ yếu, giả tạo. Nhu cầu dotrình độ tăng trưởng của XH mà biến hóa ” [ 27, 266 ]. Theo Henry Murray ( 1893 – 1988 ) thì nhu cầu được hiểu là một tổ chứcđộng cơ, nó tổ chức triển khai và hướng dẫn những quy trình nhận thức, tưởng tượng, hành vi. Nhờ nhu cầu mà hoạt động giải trí của con người mang đặc thù có mục tiêu. Do đó hoặclà đạt được sự thỏa mãn nhu cầu nhu cầu, hoặc là ngăn ngừa sự đụng độ không dễ chịu với môitrường. Murray cho rằng : sự Open nhu cầu dẫn đến những biến hóa hóa họctrong não và do ảnh hưởng tác động của chúng mà diễn ra hoạt động giải trí tư duy và tình cảm. Bấtkỳ nhu cầu nào cũng gây ra trong khung hình sự căng thẳng mệt mỏi nhất định, mà việc giải tỏanó chỉ bằng cách thỏa mãn nhu cầu nhu cầu. Như vậy nhu cầu phóng ra những kiểu hành vinhất định, mang lại sự thỏa mãn nhu cầu cần tìm [ 20, 319 ]. A.G. Covaliop tiếp cận khái niệm nhu cầu với tư cách là nhu cầu của nhómXH. Ông cho rằng : “ Nhu cầu là sự yên cầu của những cá thể và của nhóm XH khácnhau muốn có những điều kiện kèm theo nhất định để sống và để tăng trưởng. Nhu cầu quyđịnh sự hoạt động giải trí XH của cá thể, những giai cấp và tập thể ”. Như vậy, dù là nhu cầucá nhân hay nhu cầu XH, nó vẫn là sự biểu lộ mối quan hệ tích cực của con ngườiđối với thực trạng sống. Theo A.N. Leonchiev ( 1903 – 1979 ) thì nhu cầu là một trạng thái của conngười, cần một cái gì đó cho khung hình nói riêng, con người nói chung sống và hoạtđộng. Nhu cầu luôn có đối tượng người tiêu dùng, đối tượng người tiêu dùng của nhu cầu là vật chất hoặc ý thức, tiềm ẩn năng lực thỏa mãn nhu cầu nhu cầu. Nhu cầu có vai trò khuynh hướng đồng thời làđộng lực bên trong kích thích hoạt động giải trí của con người. Theo Giáo sư – Viện sĩ Phạm Minh Hạc : “ Nhu cầu khi nào cũng là nhu cầuvề một cái gì đó. Nhu cầu chỉ có được tính năng hướng dẫn khi có sự gặp gỡ giữachủ thể và khách thể ”. Nhu cầu là thành tố quan trọng tạo nên khuynh hướng nhân cáchcủa cá thể, cùng với những thành tố khác như hứng thú, niềm tin, thế giới quan, lýtưởng thì nhu cầu là sự thể hiện ra bên ngoài của khuynh hướng. Nhìn chung, những ý niệm về nhu cầu đã trình diễn ở trên đều có sự tươngđồng ở nhiều điểm : 19 – Khẳng định nhu cầu của con người và XH là một mạng lưới hệ thống phong phú, baogồm nhu cầu sống sót ( nhà hàng, duy trì nòi giống, tự vệ … ), nhu cầu tăng trưởng ( họctập, giáo dục, văn hóa truyền thống … ), nhu cầu chính trị, tôn giáo … Nhu cầu của con người xuấthiện như những yên cầu khách quan của XH, do XH lao lý, đồng thời nhu cầumang tính cá thể với những bộc lộ phong phú và đa dạng và phức tạp. – Nhu cầu là hình thức sống sót của mối quan hệ giữa khung hình sống và thế giớixung quanh, là nguồn gốc của tính tích cực, mọi hoạt động giải trí của con người đều làquá trình tác động ảnh hưởng vào đối tượng người tiêu dùng nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu nhu cầu nào đó. Do vậy, nhu cầuđược hiểu là trạng thái cảm nhận được sự thiết yếu của đối tượng người dùng so với sự tồn tạivà tăng trưởng của mình. Nhu cầu khi được thỏa mãn nhu cầu sẽ tạo ra những nhu cầu mới ởmức độ cao hơn, con người sau khi hoạt động giải trí để thỏa mãn nhu cầu nhu cầu thì tăng trưởng, vànảy sinh ra nhu cầu cao hơn nữa. Và như vậy, nhu cầu vừa được coi là tiền đề, vừađược coi là hiệu quả của hoạt động giải trí. Nhu cầu là tiền đề của sự tăng trưởng. Trên cơ sở khám phá, nghiên cứu và phân tích những khái niệm khác nhau về nhu cầu và trongkhuôn khổ của đề tài chúng tôi sử dụng định nghĩa của GS.TS. Nguyễn Quang Uẩn : “ Nhu cầu là sự biểu lộ mối quan hệ tích cực của cá thể so với thực trạng, là sựđòi hỏi tất yếu mà con người thấy cần được thỏa mãn nhu cầu để sống sót và tăng trưởng ” [ 28 ]. 1.2.1. 2. Đặc điểm của nhu cầuNhu cầu của con người có những đặc thù cơ bản sau : – Nhu cầu khi nào cũng có đối tượng người dùng : Khi chủ thể gặp đối tượng người tiêu dùng được ý thứclà có giá trị để thỏa mãn nhu cầu nhu cầu của mình và có điều kiện kèm theo triển khai phương thứcthỏa mãn thì nhu cầu đó trỏ thành động cơ thôi thúc chủ thể hoạt động giải trí nhằm mục đích vào đốitượng. Đối tượng của nhu cầu càng được xác lập đơn cử, ý nghĩa của nhu cầu đốivới đời sống cá thể và đời sống XH càng được nhận thức thâm thúy thì nhu cầu càngnhanh chóng được phát sinh, củng cố và tăng trưởng. Đối tượng của nhu cầu nằmngoài chủ thể, đồng thời là cái tiềm ẩn năng lực thỏa mãn nhu cầu nhu cầu. Bản thân đốitượng phân phối nhu cầu luôn sống sót một cách khách quan và không tự thể hiện ra khichủ thể triển khai hoạt động giải trí. Khi đối tượng người dùng của nhu cầu được chủ thể ý thức thì nhucầu thực sự là một sức mạnh nội tại, sức mạnh tâm lý kích thích và hướng dẫn hoạtđộng. 20T ính đối tượng người tiêu dùng của nhu cầu được Open trong hoạt động giải trí có đối tượng người dùng củachủ thể. Nhu cầu với tư cách là một năng lượng hướng dẫn, kiểm soát và điều chỉnh hoạt động giải trí khiđược “ đối tượng người dùng hóa ” là điều kiện kèm theo phát sinh tâm thế. Với ý nghĩa đó, nhu cầu thựcsự là một Lever của phản ánh tâm lý, ở Lever này, nhu cầu được tăng trưởng thôngqua sự tăng trưởng nội dung đối tượng người dùng của nhu cầu. Đây chính là đặc thù đặc trưngcủa nhu cầu ở con người. Quá trình tăng trưởng của con người thực ra là quy trình tăng trưởng nội dungđối tượng của những nhu cầu và ở mức độ cao hơn của quốc tế đối tượng người dùng, là sự pháttriển của những động cơ hoạt động giải trí đơn cử của con người. Như vậy, sự tăng trưởng cácnhu cầu diễn ra theo con đường tăng trưởng những hoạt động giải trí tương ứng với một phạm viđối tượng ngày càng phong phú và đa dạng và phong phú. – Nhu cầu có tính không thay đổi : Trong xu thế hoạt động, nhu cầu hoàn toàn có thể xuất hiệnlặp đi tái diễn ( thường thì ở mức độ cao hơn ) khi sự yên cầu gây ra nhu cầu táihiện. Tính không thay đổi của nhu cầu được biểu lộ bởi tần số Open một cách thườngxuyên, liên tục. Tính không thay đổi của nhu cầu biểu lộ ở Lever cao của nhu cầu : cấp độtâm lý, nhu cầu là một thuộc tính tâm lý. Nhu cầu càng tăng trưởng ở mức độ cao thìcàng không thay đổi, càng bền vững và kiên cố. – Nội dung của nhu cầu do những điều kiện kèm theo và phương pháp thỏa mãn nhu cầu nó quyđịnh. Kết quả điều tra và nghiên cứu của Đacuyn cho thấy : Nếu chỉ dùng một loại lá cây đểnuôi một loại sâu thì sau này con sâu đó không ăn loại lá cây khác, mặc dầu loại lácây đó rất thích hợp cho việc nuôi sống nó. Trong phòng thí nghiệm của Pavlov, Xitovit cũng đã dùng sữa bò để nuôi một con chó ngay từ khi nó mới lọt lòng mẹđến khi lớn. Về sau con chó này chỉ biết ăn sữa bò mà “ dửng dưng ”, “ cự tuyệt ” vớibánh mì và thịt. Như vậy : chính điều kiện kèm theo sống đã lao lý nội dung đối tượng người tiêu dùng củanhu cầu. Nói cách khác, mọi nhu cầu đều là hình thức đặc biệt quan trọng của sự phản ánhnhững điều kiện kèm theo sống bên ngoài. Nội dung của nhu cầu còn nhờ vào vào phương pháp thỏa mãn nhu cầu nó. C. Mácviết : “ Đói là cái đói tuy nhiên cái đói được thỏa mãn nhu cầu bằng thịt chín với cách dùng daovào nĩa thì khác hẳn với cái đói bắt buộc phải nuốt bằng thịt sống với cách dùng tay, móng và răng ”. 21N hu cầu của con người cũng nhờ vào vào những điều kiện kèm theo và phương thứcsinh hoạt của mái ấm gia đình và XH. Cho nên muốn tái tạo những nhu cầu xấu xa ở conngười trước hết phải tái tạo cơ sở XH đã làm phát sinh ra nó. Muốn làm nảy sinhnhững nhu cầu tốt phải tạo ra những điều kiện kèm theo và phương pháp hoạt động và sinh hoạt tương ứngvới nó. – Nhu cầu có tính chu kì : khi một nhu cầu nào đó được thỏa mãn nhu cầu không cónghĩa là nhu cầu ấy đã chấm hết mà nó chỉ trong thời điểm tạm thời lắng xuống sau một thời gianlại liên tục tái diễn, nếu người ta vẫn còn sống và tăng trưởng trong điều kiện kèm theo vàphương thức hoạt động và sinh hoạt kiểu cũ, sự tái diễn đó thường có đặc thù chu kì. Tính chấtchu kỳ này là do sự đổi khác có đặc thù chu kỳ luân hồi của thực trạng xung quanh và củacơ thể gây ra. – Nhu cầu của con người khác xa về chất so với nhu cầu của con vật : nhu cầucủa người mang thực chất xã hội. Điều này được bộc lộ ở đối tượng người dùng, phương thứcthỏa mãn nhu cầu, tính ý thức trong việc thỏa mãn nhu cầu nhu cầu. 1.2.1. 3. Phân loại nhu cầuCó nhiều cách phân loại nhu cầu : – Nhu cầu vật chất và nhu cầu ý thức : + Nhu cầu vật chất là những yên cầu về điều kiện kèm theo vật chất tự nhiên chínhđáng, tất yếu như những điều kiện kèm theo ngoại cảnh, địa lý, những cơ sở và yếu tố vật chất đảmbảo cho con người và XH hoàn toàn có thể sống sót và tăng trưởng được. Ví dụ : nhu cầu ăn, ở, mặc … [ 3, 53 ]. + Nhu cầu ý thức là sự yên cầu những giá trị ý thức làm cơ sở cho sự tồn tạivà tăng trưởng của con người và XH [ 3, 53 ]. Ví dụ : nhu cầu nhận thức, nhu cầu thẩmmĩ, nhu cầu lao động, nhu cầu giao lưu, nhu cầu hoạt động giải trí XH … Tuy nhiên sự phân loại này chỉ mang đặc thù tương đối. – Nhu cầu cá thể và nhu cầu XH : + Nhu cầu cá thể là một hiện tượng kỳ lạ tâm lý cá thể, nó Open khi cánhân cảm thấy cần phải có những điều kiện kèm theo nhất định nào đó để bảo vệ sự tồn tạivà tăng trưởng cho bản thân mình [ 3, 52 ]. 22 + Nhu cầu XH là hiện tượng kỳ lạ tâm lý XH sống sót ở nhiều con người cụ thểkhác nhau nhưng có tính thông dụng và như nhau. Đó là nhu cầu chung của nhóm cónhiều cá thể là thành viên, trở thành của cả nhóm về những điều kiện kèm theo nhất định, bảo vệ sự sống sót, tăng trưởng của nhóm [ 3, 52 ]. – Khi phân loại những mức độ của nhu cầu, A. Maslow đã xem xét nhu cầu conngười theo hình thái phân cấp và sắp xếp chúng theo thứ tự tăng dần từ thấp đếncao, gồm có 5 loại nhu cầu đó là : Nhu cầu sinh lý, nhu cầu bảo đảm an toàn, nhu cầu đượcgiao lưu tình cảm và được phụ thuộc, nhu cầu được tôn trọng, nhu cầu được thể hiệnmình. 1.2.1. 4. Các mức độ của nhu cầuMức độ nhu cầu là độ nóng bức yên cầu về một đối tượng người tiêu dùng nào đó biểu lộ ởviệc chủ thể ý thức được trạng thái thiếu thốn của chủ thể, đối tượng người tiêu dùng và phươngthức thỏa mãn nhu cầu nó. Nhu cầu hoàn toàn có thể sống sót ở nhiều mức độ khác nhau, mỗi tác giả lại có cáchphân chia mức độ nhu cầu khác nhau. – Theo X.L. Rubinstein sự tăng trưởng của nhu cầu trải qua ba mức độ : ýhướng, ý muốn, dự tính. + Ý hướng : là bước khởi đầu của nhu cầu. Ở mức độ này nhu cầu chưa đượcphản ánh khá đầy đủ, rõ ràng vào trong ý thức của con người. Ở ý hướng, chủ thể mới ýthức được trạng thái thiếu vắng của bản thân về một cái gì đó nhưng chưa ý thứcđược nó là gì. Nói cách khác, lúc này chủ thể đang thưởng thức sự thiếu vắng nhưngchưa xác lập được đối tượng người tiêu dùng gây ra sự thiếu vắng đó. Khi chủ thể đã ý thức đượcđối tượng nhu cầu, nghĩa là sự vấn đáp được câu hỏi “ thiếu vắng cái gì ” thì nhu cầuchuyển sang mức độ cao hơn đó là ý muốn. + Ý muốn : ở mức độ ý muốn chủ thể đã ý thức được đối tượng người dùng chứa đựngkhả năng thỏa mãn nhu cầu nhu cầu. Mục đích của hành vi nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu nhu cầu, nghĩa là lúc này chủ thể ý thức được đối tượng người tiêu dùng của nhu cầu và cả về mục tiêu độngcơ hoạt động giải trí nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu nhu cầu. Tuy nhiên chủ thể vẫn liên tục tìm kiếm cáchthức và những điều kiện kèm theo để thỏa mãn nhu cầu nhu cầu. Ở mức độ này chủ thể Open những23trạng thái rung cảm khác nhau biểu lộ sự mong ước. Niềm mơ ước ý muốn sẽkết thúc không thiếu về phương pháp và những phương tiện đi lại nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu nhu cầu dự tính. + Ý định : là mức độ cao nhất của nhu cầu. Lúc này chủ thể đã ý thức đầy đủcả về đối tượng người tiêu dùng cũng như phương pháp điều kiện kèm theo nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu nhu cầu ; xác lập rõkhuynh hướng của nhu cầu và sẵn sàng chuẩn bị hành vi. Ở mức độ dự tính, nhu cầu đã cóhướng và đã được động cơ hóa, Open tâm thế chuẩn bị sẵn sàng hành vi. Lúc này nhucầu trở thành sức mạnh nội tại thôi thúc can đảm và mạnh mẽ chủ thể hoạt động giải trí nhằm mục đích thỏa mãnnó. Đồng thời chủ thể cũng có năng lực tưởng tượng về tác dụng của hoạt động giải trí. Ở mứcđộ cao nhất của nhu cầu, chủ thể không chỉ ý thức rõ về mục tiêu động cơ mà còncả về những phương pháp để đạt tới mục tiêu đó. – Căn cứ vào tính tích cực, nhu cầu bộc lộ ở ba mức độ : lòng ham muốn, lòng mê hồn, đam mê. – Ngoài ra nhu cầu còn được biểu lộ ở hai mức độ cao, thấp khác nhau : + Mức độ thấp : chủ thể nhận thức được đối tượng người dùng của nhu cầu nhưng nhucầu chưa đủ mạnh để thôi thúc con người hoạt động giải trí. + Mức độ cao : nhu cầu đã đủ mạnh, trở thành nội lực thôi thúc con ngườihoạt động. Trong khuôn khổ của đề tài, chúng tôi chọn cách phân loại mức độ của nhucầu gồm mức độ thấp và mức độ cao. 1.2.1. 5. Sự hình thành nhu cầuQuan điểm về sự hình thành nhu cầu có điểm khác nhau giữa những nhà TLHphương Tây và những nhà TLH Macxit. Các nhà TLH phương Tây cho rằng nhu cầu sinh vật sẽ quyết định hành động nhu cầuXH. Nhu cầu sinh vật là cơ bản và có nguồn gốc bẩm sinh, con người không hề ýthức và can thiệp được bằng ý chí. A.N. Leonchiev và những nhà TLH Macxit khẳng định chắc chắn mối quan hệ chặt chẽgiữa nhu cầu và hoạt động giải trí : “ Nhu cầu là nguồn gốc của tính tích cực của hoạt động giải trí, nhưng bản thân nhu cầu lại được phát sinh, hình thành và tăng trưởng trong hoạtđộng ”. 24A. N. Leonchiev đã đưa ra sơ đồ lý giải mối quan hệ giữa nhu cầu và hoạtđộng : Hoạt động – Nhu cầu – Hoạt động. Ông lý giải như sau : “ Thoạt đầu nhucầu chỉ Open như một điều kiện kèm theo, một tiền đề cho hoạt động giải trí. Nhưng ngay khichủ thể mở màn hành vi thì lập tức xảy ra sự biến hóa của nhu cầu và sẽ khôngcòn giống như khi nó sống sót một cách tiềm tàng, sống sót “ tự nó ” nữa. Sự phát triểncủa hoạt động giải trí này đi xa bao nhiêu thì cái tiền đề này của hoạt động giải trí ( tức là nhu cầu ) cũng chuyển hóa bấy nhiêu thành hiệu quả của hoạt động giải trí ”. Ông cho rằng chính do bảnthân quốc tế đối tượng người dùng đã hàm chứa tiềm tàng những nhu cầu, nên trong quá trìnhchủ thể hoạt động giải trí tích cực, tất yếu sẽ nhận thức được những nhu yếu, yên cầu phảiđược cung ứng để sống sót và tăng trưởng, tức là Open nhu cầu mới. Thông qua hoạtđộng lao động sản xuất, loài người một mặt thỏa mãn nhu cầu nhu cầu hiện tại, đồng thời lạixuất hiện nhu cầu mới, vì vậy con người không ngừng tích cực hoạt động giải trí lao độngsản xuất qua đó thôi thúc XH tăng trưởng. Để hình thành nhu cầu về một đối tượng người tiêu dùng nào đó, tất cả chúng ta phải làm cho chủthể có thời cơ làm quen với đối tượng người tiêu dùng, thực thi hoạt động giải trí với đối tượng người tiêu dùng, chínhtrong quy trình thưởng thức đó chủ thể sẽ có thời cơ và điều kiện kèm theo để thấy được vaitrò, ý nghĩa của đối tượng người tiêu dùng so với đời sống của bản thân, từ đó mà hình thànhmong muốn về đối tượng người dùng và nhu cầu sẽ từ từ Open. 1.2.1. 6. Vai trò của nhu cầuNhu cầu có vai trò rất là quan trọng so với hoạt động giải trí của con người. Conngười không hề sống sót mà thiếu nhu cầu, trước hết là những nhu cầu vật chất tốithiểu như ăn, mặc, ở. C. Mác viết : “ Người ta phải có năng lực sống đã rồi mới làmra lịch sử vẻ vang. Nhưng muốn sống được trước hết phải có thức ăn, thức uống, nhà tại, quần áo ”. Sự thỏa mãn nhu cầu nhu cầu là động lực thôi thúc hoạt động giải trí của mỗi cá thể vàtập thể. Nhu cầu lao lý xu thế lựa chọn ý nghĩ, tình cảm và ý chí của conngười. Mặt khác, nhu cầu pháp luật và tích cực hóa hoạt động giải trí của con người. Nhu cầu chính là nguồn gốc, động lực thôi thúc hoạt động giải trí và là một trongnhững động cơ can đảm và mạnh mẽ thôi thúc chủ thể hoạt động giải trí nói chung và triển khai cáchành vi ý chí nói riêng. Nhu cầu này được thỏa mãn nhu cầu, kích thích bị dập tắt, đồng thờixuất hiện nhu cầu mới với những kích thích mới. Trong mỗi con người đều tồn tại25

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *